Nguyên lý Bastiat không chỉ đúng với những người săn bắt-hái lượm mà
còn đúng với những người tiêu dùng-thương nhân. Thí dụ, trong các quốc
gia dân tộc của những người tiêu dùng-thương nhân hiện đại, trừng phạt về
kinh tế là một trong những bước đầu tiên một nước dùng để trả đũa một
nước khác khi các nỗ lực hòa giải xung đột bằng con đường ngoại giao đổ
vỡ. Thông thường, các biện pháp trừng phạt như vậy được áp dụng thuần
túy vì lý do kinh tế như trong mô hình của chủ nghĩa trọng thương, thí dụ
việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên mặt hàng thép có xuất xứ từ Trung Quốc và
Nga năm 2002 bị Tổ chức Thương mại Thế giới thổi còi vì phạm luật. Các
biện pháp trừng phạt kinh tế cũng được dùng vì lý do chính trị, chẳng hạn
việc Mỹ trừng phạt Nhật sau khi nước này tấn công Trung Quốc vào những
năm 1930 trở thành tiền đề (cùng nhiều nhân tố khác) khiến Nhật trả đũa
bằng việc ném bom Trân Châu Cảng năm 1941 và dẫn tới sự tham gia của
Mỹ vào một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử. Gần đây
hơn, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nhật và Ấn Độ
sau khi các nước này tiến hành thử hạt nhân vào năm 1998; các biện pháp
này cũng được áp dụng với Iran vì lý do nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng
bố. Tương tự, Liên Hợp Quốc cũng sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế
như một công cụ buộc chính phủ Iraq hợp tác với các thanh sát viên của tổ
chức này trong việc tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các biện pháp
trừng phạt kinh tế đưa ra thông điệp: Nếu anh không thay đổi hành vi,
chúng tôi sẽ không thông thương với anh nữa. Theo Nguyên lý Bastiat, nơi
nào hàng hóa không qua được biên giới của các anh, quân đội của chúng tôi
sẽ qua. Tất nhiên, đây không phải lẽ tất yếu nhưng trong lịch sử, nó thường
xuyên xảy ra đủ để nguyên lý này giữ nguyên tính chính xác. Các biện pháp
trừng phạt kinh tế không phải là điều kiện cần hay đủ của một cuộc chiến
tranh, nhưng chúng thường là tiền đề của các cuộc chiến.
Trong các cuốn sách về toàn cầu hóa, phóng viên đối ngoại Thomas
Friedman của tờ Thời báo New York đã đề cập tới Thuyết chiến tranh của
MacDonald’s và Thuyết tránh xung đột của Dell. Trong thuyết thứ nhất,
Friedman nhận định: “Chưa từng xảy ra cuộc chiến nào giữa hai nước cùng