–X, và rõ ràng tổng của +X và –X bằng không. (Mọi trò chơi có tổng bằng
không đều có dạng như sau: nếu tôi thắng bạn với tỷ số 13–3, số điểm thắng
tịnh của tôi là +10 còn số điểm thua tịnh của bạn là –10, hai con số trái dấu
nhau sẽ có tổng bằng không.) Vì thế, muốn đất nước trở nên giàu có, chính
phủ cần ban hành các chính sách chặt chẽ từ trên xuống về nội-ngoại
thương, khuyến khích độc quyền, quản lý các hội buôn, bảo hộ thuộc địa,
tích trữ vàng thỏi và các kim loại quý hiếm, cùng vô số các biện pháp can
thiệp kinh tế khác nhằm mục đích cuối cùng là đem lại một “cán cân thương
mại có lợi.” Có lợi ở đây là cho một quốc gia so với quốc gia khác.
Adam Smith không phải là một nhà kinh tế. Thực chất ông là nhà sáng lập
danh dự của môn khoa học này. Sinh thời, ông chủ yếu nghiên cứu lĩnh vực
được các học giả gọi là “kinh tế chính trị.” Adam Smith là giáo sư triết học
duy tâm tại Đại học Glasgow, nơi ông giảng dạy về luật học, đạo đức học,
thuật hùng biện và kinh tế chính trị. Tác phẩm lớn đầu tiên của ông là Lý
thuyết về các tình cảm luân lý, xuất bản năm 1759, trong đó, ông đặt nền
móng cho quan điểm về ý thức nhân đạo bẩm sinh của con người: “Một
người dù ích kỷ đến đâu chắc chắn vẫn có những nguyên tắc nhất định
trong bản năng khiến anh ta quan tâm đến lợi ích của người khác, thấy niềm
vui của người khác quan trọng với mình, dù anh ta chẳng được gì ngoài sự
thư thái khi ngắm nhìn nó. Lòng trắc ẩn cũng vậy, đây là cảm xúc của
chúng ta trước nỗi đau của người khác khi chúng ta chứng kiến hoặc thấu
hiểu được nó.” Chúng ta cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của người khác
qua sự cảm thông – bằng cách thử đặt mình vào vị trí người khác. Adam
Smith viết: “Vì chúng ta không lập tức trải nghiệm những cảm xúc của
người khác, chúng ta không thể hình dung họ bị xúc động đến mức nào,
nhưng chúng ta có thể làm được điều đó nếu hiểu cảm xúc của bản thân khi
ở vào tình huống tương tự.” Nền tảng xã hội văn minh hình thành từ bản
tính biết cảm thông của con người – khi cố gắng làm dịu bớt nỗi buồn
chúng ta cảm nhận được từ sự đau khổ của người khác, chúng ta sẽ hạn chế
những cảm xúc tiêu cực và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực: