Giải pháp là gì? Ngừng mọi sự can thiệp. Để thị trường tự do. Dỡ bỏ mọi
rào cản thương mại và các hạn chế khác về quyền tự do kinh tế của con
người, đồng thời cho phép họ trao đổi theo cách phù hợp với bản thân, cả
về phương diện đạo đức và thực tiễn. Nói cách khác, nền kinh tế nên được
định hướng bởi tiêu dùng chứ không phải sản xuất. Chẳng hạn, theo quan
điểm của chủ nghĩa trọng thương, hàng hóa nước ngoài rẻ hơn trong nước
đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng lại khiến người sản xuất nội địa
bị tổn hại, do đó nhà nước nên áp các loại thuế quan bảo hộ nhằm duy trì
cán cân thương mại có lợi. Nhưng thuế quan bảo hộ nhằm bảo hộ ai? Smith
chỉ ra rằng, về mặt nguyên tắc, hệ thống trọng thương chỉ làm lợi cho một
nhóm các nhà sản xuất trong khi đại đa số người tiêu dùng bị bần cùng hóa
vì phải mua hàng nhập khẩu với giá cao hơn. Ông thí dụ, trồng nho ở Pháp
rẻ và hiệu quả hơn nhiều so với ở những vùng đất nội địa lạnh lẽo: “Nếu
chịu khó che chắn và đánh luống cẩn thận trong các nhà kính, chúng ta vẫn
có thể trồng được nho ở Scotland” nhưng mức chi phí sẽ cao gấp ba mươi
lần so với ở Pháp. “Liệu có nên cấm nhập khẩu tất cả các loại rượu vang
ngoại chỉ để khuyến khích người Scotland sản xuất rượu vang đỏ, rượu
vang tía?” Smith trả lời câu hỏi này bằng một nguyên tắc khái quát hơn:
“Sự khôn ngoan khi tề gia không khi nào là sự dại dột khi trị quốc. Nếu
nước khác có thể bán cho chúng ta một mặt hàng rẻ hơn mức giá chúng ta
tự sản xuất, tốt nhất hãy mua nó.”
Đây là điều cốt lõi trong học thuyết của Smith: “Tiêu dùng là mục đích cuối
cùng và duy nhất của sản xuất. Do đó, quyền lợi của người sản xuất chỉ nên
được quan tâm đến một mức mà ở đó quyền lợi của người tiêu dùng được
đảm bảo.” Vấn đề là hệ thống trọng thương “dường như coi sản xuất, chứ
không phải tiêu dùng, mới là cái đích cuối cùng và là mục tiêu của công
nghiệp và thương mại.” Một khi sản xuất thế chỗ tiêu dùng trở thành mục
tiêu của nền kinh tế, người sản xuất sẽ được các nhà quản lý từ trên xuống
quan tâm nhiều hơn người tiêu dùng từ dưới lên. Thay vì để người tiêu
dùng nói cho người sản xuất biết họ muốn mua gì, mua bao nhiêu, các cơ
quan nhà nước và các chính trị gia lại xác định giúp người tiêu dùng chủng