Những ví dụ trên không phải là các thực nghiệm đã qua kiểm định, song
chúng ta cũng có thể thử nghiệm thêm bằng cách so sánh hiệu quả xã hội
khi các yếu tố tác động biến thiên theo phương thức tự nhiên. So sánh theo
cách này sẽ khẳng định sức mạnh của thị trường mở và tự do cạnh tranh.
Những năm 1980, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp tham gia vào khối
thị trường tự do, ngay lập tức kinh tế Tây Ban Nha vượt lên ngang bằng với
sáu nước ký Hiệp ước Rome, còn Bồ Đào Nha và Hi Lạp cũng theo rất sát.
Năm 1995, ba nước Áo, Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên khối
này và nền kinh tế của họ lập tức thể hiện xu hướng tăng trưởng. Năm
2004, mười nước tiếp theo tham gia Liên minh Châu Âu và nhanh chóng có
chuyển biến tích cực về kinh tế. Tương tự, năm nền kinh tế mạnh nhất
Đông Á (Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong) cũng
đạt được nhiều bước tiến về kinh tế khi nới lỏng các dây trói ràng buộc thị
trường. Để so sánh, Prescott đưa ra các nghiên cứu chỉ rõ tác hại của bảo hộ
tới sự phát triển của quốc gia. Từ năm 1950 đến năm 2001, GDP bình quân
đầu người của Châu Âu tăng 68% so với Mỹ, Châu Á so với Mỹ tăng
244%, các nước Mỹ La-tinh do đóng cửa thương mại quốc tế đã chứng kiến
sự sụt giảm tương đối 21%, trong khi vào năm 1950 GDP của các nước này
vượt Châu Á đến 75%.
Phương pháp so sánh này cũng có thể dùng để lý giải thực nghiệm kinh tế
dưới hình thức Hiệp định Thương mại tự do Trung Mỹ (CAFTA). Từ khi
hiệp định được ký kết vào tháng 3 năm 2006, Mỹ bắt đầu giao thương với
El Salvador, Guatemala, Nicaragua và Honduras, kim ngạch nhập khẩu từ
Mỹ vào các nước này tăng mạnh cùng dòng vốn đầu tư vào các ngành công
nghiệp mũi nhọn. Trong cuối năm 2006, sau khi tham gia CAFTA, tổng kim
ngạch thương mại của Guatemala tăng 17%, một sự thay đổi đáng kể so với
con số 5% của nửa năm đầu. Nền kinh tế Nicaragua cũng có bước tiến
tương tự. Từ tháng 4 năm 2006 khi nước này tham gia CAFTA đến cuối
năm, kim ngạch thương mại đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2005.