triệu người. Bước nhảy vọt về sản lượng lương thực và dân số xuất hiện
đồng thời với sự chuyển dịch từ bộ lạc sang thành bang đã tạo điều kiện
phân công lao động xã hội nhằm phát triển cả hai mặt kinh tế và xã hội.
Tầng lớp thợ thủ công, in ấn chuyên nghiệp sẽ làm việc tận tụy trong cấu
trúc xã hội do các chính trị gia tổ chức và điều hành và nộp thuế để nuôi
sống tầng lớp đó. Nền kinh tế nhà nước hiện đại từ đó hình thành.
Tâm lý bầy đàn của chúng ta tiến hóa trên chặng lịch sử này và cùng với nó,
xu hướng bài ngoại xuất hiện – trong nhóm tốt, ngoài nhóm xấu. Vào thời
đồ đá, khi các giao ước đạo đức bắt đầu phát triển, những thành viên “trong
nhóm” của một người gồm có gia đình hạt nhân, gia đình mở rộng, bạn bè
và người thân quen mật thiết trong cộng đồng. Giúp người khác cũng là
giúp bản thân. Các nhóm chủ trương đoàn kết nội bộ và đối kháng với
nhóm khác sẽ có lợi thế sinh tồn hơn các nhóm bất đồng, phân hóa nội bộ
hoặc tiếp nhận bừa bãi người lạ vào nhóm mà không xây dựng lòng tin.
Chính các giao ước xã hội sâu sắc đã phát triển như một phần tập hợp hành
vi phản ứng để tồn tại trong môi trường xã hội phức tạp, vì vậy chúng ta
mang theo mầm mống của tính loại trừ nhóm cho đến tận hôm nay. Tính cố
kết nội bộ nhóm đồng thời tạo ra xu hướng bài ngoại giữa các nhóm và
trong bối cảnh kinh tế hiện đại, nó dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa
trọng thương.
***
Adam Smith không hề mù quáng ủng hộ thương mại. Thực chất, ông
thường hoài nghi về động cơ thực sự của người sản xuất. Suốt trong tác
phẩm Sự giàu có của các quốc gia, ông phê phán các “bè phái” – bộ sậu
chính trị gồm các doanh nhân, chủ nhà băng, thương nhân và các nhà tư bản
công nghiệp luôn vâng lệnh chính phủ – bởi đây là một khối quyền lực
phục vụ lợi ích riêng của người sản xuất thay vì lợi ích chung của người
tiêu dùng: “Những lái buôn cùng hội cùng thuyền không mấy khi đồng
thuận với nhau dù trong cuộc vui hay trò tiêu khiển, song mọi tranh cãi của