triệu năm trước khi những sinh vật đầu tiên để lại dấu vết trên những vỉa đá
phiến sét Burgess ở Canada và thêm vào đó một vài sự kiện ngẫu nhiên thì
loài người gần như không thể tiến hóa như ngày nay. Để cuối cùng trở
thành loài người hiện đại, cần phải có hàng triệu điều kiện trong quá khứ.
Mỗi sự kiện trong chuỗi đều có nguyên nhân riêng và do đó đều mang tính
xác định, song kết quả cuối cùng lại không thể đoán trước do sự tác động
của rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Gould tin rằng cái ngẫu nhiên mạnh đến
mức chỉ một thay đổi nhỏ ở giai đoạn trước cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến các
giai đoạn sau.
Điều tôi đề cập đến không phải là sự tùy ý (E phải xuất hiện sau khi A đã
chuyển thành D) mà là nguyên lý trung tâm của lịch sử – sự tiếp liên. Mọi
luận giải về lịch sử không thể suy ra từ các quy luật tự nhiên mà phải dựa
trên một chuỗi sự việc không thể đoán trước, trong đó một thay đổi dù nhỏ
nhất cũng ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Kết quả cuối cùng này sẽ phụ
thuộc vào hoặc có tính tiếp liên với những gì đã xảy ra trước đó – như một
chữ kí xác thực không thể tẩy xóa của lịch sử.
Nhà vật lý học Edward Lorenz cũng nắm bắt được sức mạnh của cái ngẫu
nhiên trong bài báo nổi tiếng “Một cánh bướm khẽ đập ở Brazil có thể gây
ra cơn lốc ở bang Texas?” “Hiệu ứng cánh bướm” cho thấy những biến cố
lịch sử bất thường ảnh hưởng lớn lao tới việc nghiên cứu các quy luật chung
và các nguyên lý của vũ trụ.
Gould đã lấy ngón tay cái của loài gấu trúc làm hình mẫu cho sự ngẫu
nhiên. Trong bài luận năm 1978 “Ngón tay cái đặc biệt của loài gấu trúc,”
Gould chỉ rõ ngón tay này không tuân theo quy luật tạo hình thiết yếu có
thể đoán định của tự nhiên mà là một ngẫu tác trong quá trình tiến hóa.
Thực chất, ngón tay cái của loài gấu trúc chính là thí dụ về thiết kế theo
chiều từ dưới lên, một sản phẩm của quá trình tiến hóa với tất cả những
công cụ sinh học sẵn có. Một nhà thiết kế thông minh từ trên xuống hẳn đã
tạo cho gấu trúc một ngón tay đẹp và hữu dụng hơn nhiều để tước lá khỏi