cành non. Ngón tay loài gấu trúc dùng để tước lá được gọi là “ngón cái”,
nhưng thực chất đó chỉ là một đoạn xương cổ tay kéo dài hình hạt vừng có
thể xoay được. Bàn tay của gấu trúc đã có năm ngón cố định tại các vị trí
nhờ các cơ, dây chằng, và các dây thần kinh, được hoàn thiện trong quá
trình tiến hóa để có thể quắp từ trước ra sau giống như các loài gấu và động
vật ăn thịt có vú khác. Nói cách khác, ngón tay thừa của loài gấu trúc không
được thiết kế thông minh mà hình thành từ những bộ phận có sẵn do lịch sử
ban tặng, đó là đoạn xương cổ tay đã thay đổi chức năng sử dụng. So với
chúng ta, có thể ngón tay cái này thật vụng về và bất tiện, song nó lại đủ để
giúp gấu trúc hái lá cây. Do đó, không có lý do gì khiến toàn bộ bàn tay loài
gấu trúc bị thay đổi trong quá trình chọn lọc tự nhiên.
***
Trong kinh tế học, quá trình tiến hóa này được gọi là lối mòn lệ thuộc hay
then cài lịch sử nhằm diễn tả việc các thị trường thường phụ thuộc vào lối
mòn chúng đang đi trên hoặc bị khóa chặt trong các kênh vận hành hiện tại.
Khái niệm lối mòn lệ thuộc được nhà kinh tế học trường Đại học Stanford
Paul David đưa ra trong bài báo gây tiếng vang lớn năm 1985 “Clio và ý
nghĩa kinh tế của bàn phím QWERTY”, bài báo khiến loại bàn phím này trở
thành huyền thoại. Về mặt kỹ thuật, David định nghĩa lối mòn lệ thuộc như
một “đặc tính của các quá trình động, ngẫu nhiên và không thể đảo ngược,
trong đó gồm cả những quá trình có thể được xem là ‘tiến hóa’.” Nói ngắn
gọn hơn, đó chính là những vấn đề lịch sử.
Một thí dụ về lối mòn lệ thuộc là Hiệu ứng bán chạy nhất chúng ta đã đề
cập đến trong phần mở đầu, theo đó người giàu sẽ càng giàu hơn. Suy rộng
ra, lối mòn lệ thuộc cho thấy các công ty sớm bước chân vào một lĩnh vực
sẽ có lợi thế đi đầu so với các công ty gia nhập sau. Lợi thế cạnh tranh này
có được nhờ rất nhiều yếu tố. Thí dụ, mô hình hiệu quả kinh tế theo quy mô
chỉ rõ chi phí cố định sẽ được phân bổ trong quá trình sản xuất nên càng sản
xuất nhiều bạn càng có khả năng giảm giá thành của sản phẩm hoàn thiện