đối tĩnh, trong khi các hệ thống công nghệ gắn với lịch sử bằng cơ chế văn
hóa tương đối động.
***
Một trong những luận điểm quan trọng nhất của Stephen Jay Gould về sự
tương đồng giữa tiến hóa và công nghệ là sự thích nghi từ trước
(exaptation) – một hệ quả của sự thích nghi (adaptation) – theo đó, một đặc
điểm ban đầu hình thành vì một mục đích nhưng về sau lại được lựa chọn vì
mục đích khác. Hãy xem xét những đôi cánh chim cỡ lớn. Những đôi cánh
này được cấu tạo đầy đủ dựa trên nguyên lý khí động học, cho phép loài
chim chạy trốn kẻ thù, tấn công con mồi và bay qua những vùng mặt nước
hay địa hình gồ ghề. Vậy đâu là tác dụng của những đôi cánh không hoàn
chỉnh? Theo thuyết tiến hóa của Darwin, mỗi bước phát triển liên tiếp của
đôi cánh phải có tính năng nhất định nào đó. Xét về mặt khí động học, đôi
cánh chưa hoàn chỉnh sẽ không thể bay được, nên phải chăng đột biến này
sẽ không được tự nhiên lựa chọn? Luận điểm này, với tên gọi vấn đề của
giai đoạn khởi phát, được dùng để chống lại Darwin và ông đã phản biện
bằng mô hình có tính kỹ thuật: “Dù ban đầu một bộ phận hình thành không
nhằm một mục đích đặc biệt nào đó, nhưng cuối cùng lại thực sự phục vụ
mục đích đó; ta nói nó được trù tính đặc biệt cho mục đích này. Tương tự,
nếu ai đó làm ra một chiếc máy nhằm phục vụ một mục đích đặc biệt nhưng
lại sử dụng các phụ tùng cũ và chỉ thay đổi đôi chút; ta nói chiếc máy ấy,
cùng với tất cả các bộ phận của nó, được trù tính đặc biệt cho mục đích này.
Trong tự nhiên, hầu hết mọi bộ phận của các loài sinh vật hiện nay, với một
vài cải biến trong từng trường hợp cụ thể, đều phục vụ nhiều mục đích và
đều từng cấu tạo nên bộ máy cơ thể những loài sinh vật cổ đại, thậm chí đã
tuyệt chủng.”
Gould cùng với đồng nghiệp Elizabeth Vrba gọi giải pháp này là sự thích
nghi từ trước, đồng thời đưa ra nhiều thí dụ trong cả môi trường tự nhiên và
nhân tạo. Chẳng hạn, với trường hợp đôi cánh, trong giai đoạn khởi phát, nó