trước, tổ tiên ông từ Hoan Ai đánh lên Thăng Long, lại xuống Thanh Hóa
rồi vào Nam mở cõi. Bây giờ, từ trời Nam, ông quay trở lại đất Bắc sau một
hành trình của khổ nhục và vinh quang, từ một cậu bé 15 tuổi luôn bị truy
sát, không một tấc đất, chỉ vài ba tùy tùng, sống bằng ngọn cỏ, lõi chuối,
đến khi vùng lên đánh bại kẻ thù, làm vua thiên hạ, lấy được một dải đất từ
Nam chí Bắc. Con người như Nguyễn Ánh thật khó để xem là tầm thường.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, tức Nguyễn Thái Tổ, niên
hiệu Gia Long. Đặt tên nước là Việt Nam. Tính ra thời gian chia cắt, đi đến
mở rộng và cuối cùng là thống nhất của dân tộc ta đã trôi qua hơn hai thế
kỷ. Kể từ giai đoạn Nam Triều - Bắc Triều kéo dài 60 năm, đến giai đoạn
Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài 149 năm. Rồi Nguyễn Huệ xuất hiện, dù
đã san dọn mặt bằng mọi tàn tích cũ nhưng Tây Sơn vẫn phân ra ba miền,
kéo dài 25 năm. Tổng cộng tới 235 năm người dân Việt đứng ở các bờ
chiến tuyến khác nhau. Cuối cùng, vua Gia Long đã thống nhất được đất
nước đến mũi Cà Mau.
2.2. Vua Minh Mạng hoàn thiện cơ đồ
Năm 1820, Gia Long mất, Minh Mạng lên kế vị. Dưới sự trị vì của ngài,
lãnh thổ Việt Nam là rộng lớn nhất lịch sử, cùng với Xiêm La áp đặt ảnh
hưởng lên Khơ Me, trở thành hai đế quốc mạnh nhất Đông Nam Á. Tự hào
với những gì mình đạt được, Minh Mạng đã đổi tên quốc gia thành “Đế
quốc Đại Nam” đầy ngạo nghễ. Trương Minh Giảng, vị tướng đánh trận
giỏi nhất dưới thời Minh Mạng chính là Trấn Tây tướng quân, bảo hộ một
nửa Cao Miên, bao gồm cả Phnôm Pênh. Ông cũng là vị tướng hai lần đánh
bại Xiêm La xâm phạm vào lãnh thổ. Trương Minh Giảng với Minh Mạng
chính là cặp “vua - ve” tượng trưng cho tham vọng và bá khí ngút ngàn
nhất thời đại chúa Nguyễn.
Như chúng ta đã đọc ở phần 1, vào giai đoạn chúa Minh Nguyễn Phúc
Chu cầm quyền thì Chăm Pa đã trở thành một khu tự trị của nước ta gọi là
Thuận Thành Trấn. Nhưng đến giai đoạn vua Minh Mạng cầm quyền thì