Năm 981, nhà Tống đưa quân tràn xuống nước ta, chia làm nhiều mũi
tiến công cả thủy lẫn bộ, bao gồm: Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng kéo
đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ kéo đến Tây Kết, Lưu Trừng kéo đến sông
Bạch Đằng. Ba cánh quân này hẹn nhau hội tụ ở Đại La, sau đó áp sát tấn
công Hoa Lư. Đứng trước tình thế ngặt nghèo ấy, Lê Hoàn chia quân ra ba
mặt lần lượt phòng thủ ở ba nơi hiểm trở. Tại Bạch Đằng, Lê Hoàn áp dụng
kế sách giữ nước năm nào của Ngô Quyền là cắm cọc nhọn trên sông để
phòng ngự, ngăn lực lượng thủy quân của Lưu Trừng. Tại Ải Chi Lăng,
ngài sắp xếp quân mai phục hai bên đường núi hiểm trở để đón đợi toán
quân bộ của Hầu Nhân Bảo. Tuy nhiên vinh quang và chói lọi nhất của
cuộc chiến mà Lê Hoàn đại phá Tống không phải ở Bạch Đằng, càng không
phải ở Chi Lăng hay Tây Kết mà là địa danh mang tên: thành Bình Lỗ.
Thành Bình Lỗ, ba chữ ấy đáng lẽ ngàn thu phải sánh cùng Bạch Đằng,
Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ thì gần như đã bị quên lãng trong dòng
chảy sử Việt. Hôm nay, tại đây, chúng ta sẽ nói về địa danh vinh quang phủ
bụi mờ đó, để khắc sâu trong lòng niềm kiêu hãnh của cha ông trong khúc
tráng ca giữ nước.
Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện về ngày mất của Hưng Đạo Đại
Vương, được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng Sáu (Âm lịch)
năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ốm nặng. Vua Trần Anh Tông ngự
tới nhà thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại
sang xâm lược thì kế sách như thế nào?” Ông trả lời: “... Đời nhà Đinh, nhà
Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc
thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình
Lỗ mà phá được quân Tống...” Thành Bình Lỗ đã được xuất hiện qua lời
trăn trối của Trần Hưng Đạo như thế. Từ câu nói này của Đại Vương, ta có
thể lùi lại lịch sử trước đó hơn 320 năm, để tin rằng chính thành Bình Lỗ
chứ không phải Chi Lăng, Bạch Đằng mới là trận thắng then chốt của quân
ta trước quân Tống, là chiến thuật được Hưng Đạo Đại Vương coi là bài
học giữ nước quan trọng nhằm trăn trối lại cho đời sau.