Tới đây, bạn đã hiểu thái độ về giới tính, tuổi tác, sắc tộc và về bất kỳ
đặc tính nào khác của con người có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến
bản thân ra sao. Giờ là lúc luyện tập để nêu bật những yếu tố tích cực. Việc
này sẽ mang lại lợi ích cho bản thân, cho người khác và đặc biệt là cho Trí
tuệ Xã hội của bạn.
Rèn luyện Trí tuệ Xã hội
1. Nhìn lại những định kiến
Hãy nhìn lại những định kiến của bản thân. Lập một Bản đồ Tư duy nhỏ
về những suy nghĩ trước nay của bạn đối với những nét đặc trưng chính yếu
của các nhóm đối tượng sau:
■Đàn ông
■Phụ nữ
■Trẻ nhỏ
■Người già
■Giới học thuật
■Vận động viên thể thao
■Nghệ sĩ
■Những nhóm sắc tộc khác
Kiểm tra phản ứng của bạn để nhận ra xem có kiểu nhận thức rập khuôn
mang tính tiêu cực nào không, và tìm hiểu nguyên do vì sao những ý nghĩ
tiêu cực này xuất hiện. So sánh chúng với những ý nghĩ tích cực bạn từng
có và xem có mô thức chung nào giữa chúng không.
Ví dụ, nếu bạn hiểu rõ về một nhóm đối tượng nào đó (như cầu thủ bóng
đá chẳng hạn), bạn sẽ ít có ý nghĩ tiêu cực về nhóm này hơn so với những
nhóm đối tượng mà bạn ít giao du, tiếp xúc. Hãy xem việc khám phá này là
một “trò” tiêu khiển giúp bạn thư giãn, tinh thần thêm phấn chấn và mở ra
nhiều hiểu biết sáng suốt.