gia đình Bắc Phi, nhu cầu âm nhạc còn lớn hơn mọi đức tính kín đáo khác
và người nước ngoài không thể sống cô đơn. Chính phủ chắc hẳn cũng rất
đồng tình. Hàng năm người ta vẫn tiếp tục khánh thành trọng thể vài “Lối
nhỏ thần tiên”, thị trưởng đọc diễn văn, đại diện của các bộ và các đảng vỗ
tay nhiệt tình, các căn hộ “ra đi rất nhanh”, danh sách người xin “không
bao giờ ngớt”, đúng như báo chí bình luận.
Cánh cửa vụt mở. Tôi chạy vội lên tầng ba. Một phụ nữ lớn tuổi đi ra, theo
sau là một thằng trai trẻ. Các đồng nghiệp của tôi trông thế mà có năng
khiếu tả thực, tôi nhận ra sếp bà ngay từ sau lưng: tóc nhuộm vàng hoe, mi-
ni ngang đùi, nhưng tất dài chất lượng tuyệt hảo có lẽ chỉ giúp đỡ các nốt
tàn nhang chứ bó tay trước các vết nhăn và hai đầu gối mang hình củ lạc.
Thằng trai trẻ bỗng ngửng đầu lên để tôi thấy rõ một khuôn mặt nõn nà,
mắt xanh biếc, tóc bồng bềnh. Dáng người nó cũng không chê được điểm
nào. Thuôn thả và hừng hực sức sống. Có cảm giác vừa từ ca-ta-lô quần áo
bước ra. Tôi nghe nó gọi sếp bà là mẹ. Rồi cả hai nắm tay nhau chui vào
thang máy. Hai bộ đồ trắng lốp từ đầu tới chân.
Tôi tiếp tục ghé tai vào cửa. Bên trong vẫn vẳng ra tiếng động. Tay sếp
không biết đang làm gì. Tôi đi thêm vài vòng cầu thang rồi xuống tầng trệt.
Phải kiếm cái gì cho bữa trưa.
Cửa hàng bán bánh một hàng rõ dài. Giá cả đắt gấp đôi Clichy. Cô bán
hàng đưa cho tôi hai khúc bánh mì kẹp, hai chai nước khoáng mà tính nhẹ
nhàng 28 euro. Tôi hơi hoảng thì cô ta cười cười đưa cho đôi khăn giấy
màu đỏ in hoa nổi. Đi được một đoạn, tôi mới hiểu nụ cười của cô ta. Bộ
dạng của tôi làm sao qua được mắt các cô bán bánh. May mà lúc nãy không
chạm mặt vị gác cổng nào. Tôi quên phắt rằng hàng xóm nhiều khi không
biết ai vào ai chứ các bà gác cổng và các cô bán bánh thì thuộc mặt, kể tên,
thông thạo lý lịch mấy đời dân khu phố. Không thế mà các thám tử tư mỗi
khi có việc đều đến gõ cửa tâm sự với bà gác cổng, sau đó ra mở hàng cho
cô bán bánh đôi sừng bò.