Tôi đứng yên và hỏi như vậy.
- Thì cũng như nhắm mắt mà ngủ vậy thôi. Mẹ chẳng thấy hiu quạnh chút
nào. Ngược lại, mẹ ghét bị chói mắt lắm. Từ giờ, con đừng có bật đèn
phòng khách nữa nhé.
Tôi lại cảm thấy sự bất tường, im lặng tắt đèn, đi sang phòng kế bên, bật
đèn lên, cảm giác vô cùng cô quạnh, tôi vội vàng đi xuống bếp, lấy cơm
nguội ra ăn với cá hộp, nước mắt rơi lã chã.
Càng khuya gió càng thổi mạnh. Từ khoảng 9 giờ đêm, mưa với gió theo
nhau vần vũ thành một cơn bão thực sự. Bức mành trúc ngoài đầu hành
lang mà tôi cuốn lên hai ba ngày trước đang va đập lạch cạch trong gió. Tôi
ngồi trong căn phòng sát bên phòng khách, đọc quyển “Kinh tế học nhập
môn” của Rosa Luxemburg[1], thấy thích thú lạ kỳ. Quyển này tôi lấy từ
căn phòng trên gác hai của Naoji cùng với những quyển như “Tuyển tập
Lênin”, “Cách mạng xã hội” của Kautsky mà chưa hỏi nó. Những quyển
này để trên bàn tôi trong căn phòng kế bên phòng khách. Buổi sáng mẹ thức
dậy đi rửa mặt trở về có ngang qua phòng tôi, thấy ba quyển sách, mẹ cầm
lên, đọc qua, rồi khẽ thở dài, đặt xuống, quay sang nhìn tôi với gương mặt
buồn bã. Tuy nhiên trong đôi mắt chan chứa nỗi buồn ấy không có một chút
gì là cự tuyệt hay ghét bỏ. Những quyển mẹ chọn đọc là của Hugo, cha con
nhà Dumas, Musset và Daudet nhưng tôi biết trong những quyển sách lãng
mạn ngọt ngào kia cũng phảng phất một mùi cách mạng. Cũng giống như
mẹ, những người có được sự “giáo dục thiên bẩm”, từ này nghe có hơi kỳ
lạ, có lẽ sẽ chờ đón cuộc cách mạng như là chuyện đương nhiên, không có
gì là bất ngờ. Khi đọc sách của Rosa Luxemburg, không phải tôi không cảm
thấy cái vẻ kiểu cách lên gân giả tạo, nhưng nó mang lại cho tôi niềm hưng
phấn sâu xa theo cảm nhận của riêng tôi. Những điều được viết trong sách
là về kinh tế học, nhưng nếu đọc theo kiểu kinh tế học thì nó thực sự chán
ngắt, toàn là những chuyện đơn giản không cần phải chứng minh. Không,