Chuyện tôi gặp ông Uehara và nói ông ấy là người tốt chắc làm em tôi vui
lắm nên tối đó Naoji lấy tiền tôi đi ngay đến chỗ ông Uehara chơi.
Nghiện ngập có lẽ là một thứ bệnh thuộc về tinh thần. Tôi khen ngợi ông
Uehara, đọc mấy quyển sách của ông ấy mà em tôi mượn về, rồi nói mấy
câu như “người này giỏi giang nhỉ” thế là Naoji tỏ vẻ vui mừng nói “chị
hiểu ông ấy à” rồi lại bắt tôi đọc mấy quyển sách khác của ông Uehara. Tôi
cũng trở nên say sưa đọc và hai chị em nói với nhau ông Uehara thế này,
ông Uehara thế kia. Em tôi đến nhà ông Uehara hầu như hàng đêm và cuối
cùng, đúng theo kế hoạch của ông ấy, Naoji đã chuyển sang nghiện rượu.
Chuyện trả tiền thuốc thì tôi đã lén bàn với mẹ. Mẹ lấy tay che mặt, bất
động một hồi lâu rồi ngẩng mặt lên cười với một vẻ cô đơn vô hạn, nói
“Chẳng còn cách nào khác. Mẹ không biết phải trả trong bao nhiêu năm
mới hết nhưng mình cứ trả dần từng tháng vậy”.
Từ đó đến giờ đã sáu năm trôi qua.
Hoa quỳnh. Thì ra em tôi cũng khổ. Hơn nữa, còn không có đường đi. Đến
bây giờ, nó vẫn chưa biết mình phải làm gì. Chắc là vậy, nên mỗi ngày nó
chỉ có uống rượu như chết mà thôi.
Nếu nghĩ theo cách khác thì chẳng phải tôi cũng bất lương hay sao? Nghĩ
vậy chắc sẽ dễ dàng hơn cho Naoji.
“Liệu có ai không phải là kẻ bất lương không?”. Naoji đã viết như vậy. Như
thế thì cả tôi cũng bất lương, chú và mẹ cũng bất lương. Có lẽ đối với
Naoji, bất lương là sự dịu dàng chăng?