thích hợp về mặt giải phẫu đối với mỗi giới (đực hoặc cái), nhưng động vật có
những bản năng được lập trình khác, bản năng giúp chúng thực hiện (hoặc không
thực hiện) việc chăm sóc con. Những lựa chọn tập tính mang tính bản năng đó có
thể rất khác nhau ở hai giới trong cùng loài. Ví dụ, trong các cặp chim bố và mẹ,
cả chim hải âu trống và mái, đà điểu trống chứ không phải đà điểu mái, và ở loài
chim ruồi là con mái chứ không phải con trống hay không một con bố mẹ nào ở
loài gà tây có bản năng mang thức ăn về cho con non của chúng, mặc dù cả hai
giới tính trong tất cả các loài trên hoàn toàn có khả năng thực hiện điều này về
mặt cấu trúc vật lí và giải phẫu.
Giải phẫu học, sinh lí học và bản năng, nền tảng cho sự chăm sóc con cái, tất cả
đều được chọn lọc tự nhiên lập trình về mặt di truyền. Một cách tổng thể, tất cả
các yếu tố đó tạo thành cái mà các nhà sinh học gọi là chiến lược sinh sản. Cụ thể
là, các đột biến hoặc tổ hợp di truyền ở chim bố mẹ có thể làm tăng cường hoặc
giảm bớt bản năng cung cấp thức ăn cho chim non và cũng tác động hoàn toàn
khác nhau ở hai giới trong cùng loài. Những bản năng này dường như có ảnh
hưởng rất lớn đến số lượng chim non sống sót, mang gen di truyền của cặp bố
mẹ. Rõ ràng chim non nào nhận thức ăn từ bố mẹ sẽ có khả năng sống sót cao
hơn, nhưng chúng ta cũng sẽ thấy rằng một cặp bố mẹ “quên” không cung cấp
thức ăn cho con cũng có chiến lược khác để tăng cường khả năng truyền gen của
chúng. Do vậy, ảnh hưởng của gen tạo ra bản năng mang thức ăn cho con ở chim
bố mẹ có thể có tác động làm tăng hay giảm số lượng con mang gen của chúng,
điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố sinh thái và sinh học mà chúng ta sẽ thảo
luận sau.
Các gen quy định các cấu trúc giải phẫu cụ thể hoặc các bản năng giúp đảm bảo
khả năng sống sót của những con mang chính những gen đó sẽ có xu hướng tăng
tần suất trong vốn gen. Hay nói cách khác, cấu trúc giải phẫu và các bản năng
tăng cường khả năng sống sót và sinh sản có khuynh hướng được hình thành
(được lập trình về mặt di truyền) nhờ chọn lọc tự nhiên. Nhưng việc cần phải giải
thích một cách dài dòng giống như thế này lại thường xảy ra ở bất kì cuộc thảo
luận nào thuộc lĩnh vực sinh học tiến hóa. Do đó, các nhà sinh học theo thói
quen, thường dùng ngôn ngữ của con người để cô đọng những giải thích này, ví
dụ như, họ nói rằng một con vật “chọn” làm điều gì đó hoặc thực hiện một chiến