Chương 2. Đặc biệt là, thử nhớ lại cách thức nào mà cuộc chiến tiến hóa giữa hai
giới lại có liên quan tới sự chăm sóc của cha mẹ, mà trong đó có tới 90% con cái
trong tất cả các loài động vật có vú phải chăm sóc con một mình. Với các loài
còn lại, bản thân các con non thường sống sót, hoàn toàn không cần tới sự chăm
sóc của cả cha lẫn mẹ, điều đó hiển nhiên cho thấy việc đặt ra câu hỏi về khả
năng tiết sữa của con đực ở những loài như thế là hoàn toàn không cần thiết. Con
đực của những loài như vậy không những không cần tới khả năng tiết sữa mà
chúng cũng chẳng cần phải cung cấp thức ăn, bảo vệ lãnh thổ, che chở hoặc dạy
dỗ cho những con non, hay làm bất cứ điều gì khác cho những đứa con của
chúng. Những mối quan tâm về mặt di truyền thô thiển của con đực chỉ là để thực
hiện tốt nhất việc theo đuổi những con cái khác và khiến cho chúng thụ thai. Một
con đực đáng quý với tính trạng đột biến là tiến hành nuôi dưỡng con non của nó
(hay chăm sóc chúng theo cách thức khác), sẽ nhanh chóng bị những con đực ích
kỉ bình thường khác loại bỏ, bởi những con đực này đã chấm dứt hẳn việc cho
con non bú sữa vì thế có nhiều cơ hội sinh ra số con non hơn.
Riêng đối với khoảng 10% các loài động vật có vú cần tới sự chăm sóc của con
bố thì việc đặt ra câu hỏi về sự tiết sữa của con đực mới đáng được quan tâm. Số
lượng loài thiểu số này bao gồm: sư tử, sói, khỉ đột, khỉ đuôi sóc châu Mĩ
(Marmoset) và con người. Nhưng thậm chí đối với cả những loài cần tới sự chăm
sóc của con bố thì việc tiết sữa vẫn không nhất thiết phải là yếu tố đáng giá nhất
thể hiện sự đóng góp của con bố. Điều mà một con sư tử to lớn thực sự phải làm
đó là xua đuổi lũ linh cẩu và những con đực to lớn khác đang rình rập xung
quanh để ăn thịt con non của nó. Con đực đó nên ra ngoài tuần tiễu khắp lãnh thổ
của nó, chứ không phải ngồi im trong hang và chăm sóc lũ con non (điều mà
những con sư tử cái nhỏ hơn hoàn toàn có thể làm tốt được), trong khi những kẻ
thù của lũ con non đang lén lút tiến lại gần. Đối với một con sói bố thì có lẽ đóng
góp hữu ích nhất của nó chính là rời khỏi hang và đi săn mồi, mang thịt về cho
sói mẹ để con này có thể chuyển hóa thành sữa cho con non bú. Một con khỉ đột
cha thì góp phần hữu ích nhất với việc để mắt tới những con trăn và đại bàng,
những loài có thể cướp mất con của nó, và cảnh giác xua đuổi những con khỉ đột
khác ra khỏi những cây có trái để con cái và lũ con của nó có thể tới ăn, trong khi
đó thì khỉ đuôi sóc đực lại dành rất nhiều thời gian để bế bồng hai đứa con sinh
đôi của nó.