Bà phong cho người khác danh hiệu "thầy thuốc" một cách hồn nhiên. Vì
đây là người biết trị bịnh cũng như thầy Chệt trong chợ, cũng như thầy Tám
dạy học trò. Theo bà, hễ ai dạy người khác việc gì thì đáng gọi là thầy: thầy
nghề võ, thầy lỗ ban cũng đều là thầy cả.
- Khi lột nó ra khỏi thân cây thì nó còn tươi, Khi phơi, nó cuốn lại. Như
vậy, bên ngoài khô mà bên trong không khô, cho nên phải phải lấy que trúc
ngáng nó ra giống như chiếc thuyền nan vậy.
- Thuyền nan là gì ? - Thầy Tám hỏi.
- Dạ, là cái thuyền đan bằng tre chúng tôi chạy buồm từ ngoài nớ vô đây.
- À tôi biết rồi. Đó là cái ghe bầu. Năm nào gần Tết cũng có ghe bầu ngoài
Huế vô đây bán thúng rổ, nia sàng, rổ đi chợ, gàu tát đìa, đươn thật khéo.
Hồi trước họ vô đây đều hơn. Mấy năm nay không biết sao hơi thưa. Nói
vậy thầy cũng ở ngoài Huế vô đây hả ?
Người khách lễ phép thưa:
- Dạ không phải! Huế còn xa ở ngoài nữa. Chúng tôi ở xứ Quảng, phía gần
trong nầy.
Bà Tám nói:
- Ở đây hễ nghe nói tiếng "trọ trẹ" thì bà con cứ kêu là "người Huế". Bởi
vậy nên có câu hát: Anh về ngoài Huế thắt rế tai bèo; Gởi vô em bán đỡ
nghèo đôi năm"
Thầy Tám phụ hoa. với vợ:
- Ở gần đây có ba, bốn người cũng nói giọng giống ông. Hồi nẳm họ cũng
vô đây bán thúng nia, rồi không biết sao ở luôn trong này, cưới vợ có con
mua đất mua trâu mần ăn khá lắm. Để chốc nữa tôi kêu họ lại đây nhìn bà
con!
Thầy Tám hỏi mua cái mật gấu để uống trị bịnh tức ngực và một vài món
thuốc trị bịnh con nít, để phòng khi học trò có sổ mũi nhức đầu thì cho
uống.
Thầy Huế soạn ra, kể tỉ mỉ cách dùng từng món và cười đắc ý:
- Hôm nay thật là ngày tốt, thánh dắt tôi tới qúy địa gặp nhơn huynh. Tôi
chỉ lấy nửa giá tiền. Một thanh quế, một gói trà, cái mật gấu , xin một đồng
bạc thôi!