nhóm người, thì chúng đều theo bản năng mà phục tùng uy lực của lãnh tụ.
Đám đông là một bầy đàn dễ sai khiến và không thể sống thiếu chúa tể.
Đám đông khao khát phục tòng đến nỗi nó sẽ theo bản năng mà tuân phục
ngay kẻ nào tuyên bố là chúa tể của nó. Nếu đám đông cần một lãnh tụ thì
lãnh tụ cũng phải có một số phẩm chất cá nhân phù hợp. Chính hắn phải tin
tưởng một cách cuồng nhiệt (vào một lí tưởng) để có thể đánh thức niềm tin
ấy trong quần chúng; hắn phải có một ý chí đáng khâm phục để có thể
truyền ý chí này cho đám đông nhu nhược (trang 247).
Tiếp theo Le Bon thảo luận những kiểu lãnh tụ khác nhau và những
thủ thuật mà các lãnh tụ dùng để gây ảnh hưởng với quần chúng. Nói chung
thì Le Bon cho rằng các lãnh tụ gây ảnh hưởng bằng các lí tưởng mà chính
các lãnh tụ cũng tin một cách cuồng nhiệt. Le Bon gán cho các lí tưởng này
cũng như cho các lãnh tụ một sức mạnh vô địch và bí hiểm mà ông gọi là
“uy tín”. Uy tín là một dạng thống trị của một cá nhân, một tác phẩm hay
một lí tưởng đối với chúng ta. Sự thống trị này làm tê liệt tất cả những khả
năng phê phán của cá nhân và làm cho cá nhân chỉ còn biết ngạc nhiên và
kính phục. Sự thống trị đó có thể tạo ra những tình cảm giống như khi bị
thôi miên (trang 259). Ông còn chia ra uy tín tự giành được hay uy tín giả
tạo và uy tín cá nhân. Uy tín giành được do tên tuổi, tài sản, tiếng tăm; uy
tín của dư luận, của tác phẩm nghệ thuật tạo ra bằng con đường truyền
thống. Trong mọi trường hợp uy tín đều có gốc gác từ trong quá khứ nên nó
không cho ta nhiều tư liệu để có thể nghiên cứu ảnh hưởng bí hiểm này. Chỉ
một ít người có uy tín cá nhân mà nhờ thế họ trở thành lãnh tụ; mọi người
khuất phục họ như có ma thuật vậy. Nhưng uy tín phụ thuộc vào thành
công và có thể biến mất nếu thất bại (trang 268). Chúng tôi có cảm tưởng
rằng Le Bon chưa đưa được vai trò của lãnh tụ và ảnh hưởng của uy tín vào
một mối liên hệ đúng đắn với điều được ông mô tả tuyệt vời là tâm lí đám
đông.