tình yêu với một người đàn bà, cho dù nó có gây ra những hạn chế, ta sẵn
sàng chịu đựng mọi thứ miễn là người yêu ta được hạnh phúc; tương tự như
vậy khi có một tình yêu đồng giới thăng hoa, phi dục tính sinh ra trong quá
trình cộng tác với một người đàn ông. Như vậy là nếu trong đám đông có
sự giới hạn lòng ích kỉ ngã ái thì đấy là bằng chứng không thể chối cãi rằng
thực chất của đám đông chính là những liên kết mới được xác lập giữa các
thành viên của nó với nhau.
Nhưng bây giờ chúng ta lại phải hỏi rằng những mối liên kết trong
đám đông ấy là loại liên kết gì? Trong lí thuyết phân tâm học về bệnh tâm
thần cho đến nay chúng tôi mới chỉ nghiên cứu về các khát khao yêu đương
với các đối tượng nhằm mục đích dục tính trực tiếp. Trong đám đông thì
hiển nhiên không thể nói đến chuyện dục tính rồi. Ở đây chúng ta gặp phải
khát khao yêu đương tuy đã rẽ khỏi mục đích ban đầu nhưng vẫn giữ
nguyên ảnh hưởng đối với đám đông. Trong khuôn khổ của sự chiếm đoạt
đối tượng về mặt dục tính chúng tôi cũng đã nhận thấy những biểu hiện của
sự chuyển hướng ham muốn khỏi mục đích dục tính. Chúng tôi đã mô tả
chúng như là một mức độ yêu đương nhất định và nhận xét rằng chúng đã
hạn chế một phần cái “Tôi”. Bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu kĩ lưỡng
những biểu hiện tình ái đó với hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm ra các quan hệ
có thể đem áp dụng vào trường hợp các mối liên kết trong đám đông. Ngoài
ra chúng ta còn muốn biết liệu phương pháp chiếm đoạt đối tượng, như
chúng ta đã biết trong đời sống tình dục, có phải là hình thức liên kết tình
cảm duy nhất đối với người khác hay chúng ta còn phải lưu ý đến những cơ
chế khác nữa. Phân tâm học cho chúng ta biết rằng còn có những cơ chế
liên kết tình cảm khác nữa: đó là hiện tượng đồng nhất hóa, một hiện tượng
chưa được nghiên cứu kĩ, rất khó mô tả, chúng ta hãy tạm gác vấn đề tâm lí
đám đông để xem xét vấn đề đồng nhất hoá.