8. YÊU ĐƯƠNG VÀ THÔI MIÊN
Ngôn ngữ dù có đỏng đảnh vẫn trung thành với một thực tế nào đó.
Nó gọi những quan hệ tình cảm rất khác nhau là “yêu” và chúng ta gom về
mặt lí thuyết tất cả những quan hệ đó dưới danh từ “yêu”, nhưng sau đó lại
nghi ngờ rằng không hiểu đấy có phải là tình yêu thực sự, đúng đắn, chân
thành hay không; nó cũng chỉ ra một loạt cấp bậc trong hiện tượng tình yêu.
Quan sát những cấp bậc ấy không phải là việc khó.
Trong nhiều trường hợp yêu chính là việc tìm kiếm đối tượng dục
tình nhằm thoả mãn nhục dục một cách trực tiếp, và khi đạt được mục đích
thì tình yêu cũng tắt; đấy là tình yêu bất chính, tình yêu sắc dục. Nhưng,
như chúng ta đã biết, tình trạng libido thường không giản đơn như vậy. Tin
chắc rằng nhu cầu vừa chợt tắt sẽ lại bừng dậy dĩ nhiên phải là lí do chính
để người ta ấp ủ niềm say mê với đối tượng trong một thời gian dài, phải
“yêu” đối tượng cả khi không bị lửa tình thiêu đốt.
Từ trong lịch sử phát triển tình ái của con người ta lại có thể thấy
một khía cạnh khác. Trong giai đoạn đầu, thường chấm dứt vào năm lên
năm tuổi, đứa trẻ chọn cha hay mẹ làm đối tượng tình ái đầu tiên và tập
trung mọi ham muốn dục tính đòi được thoả mãn vào đó. Sau đó sẽ đến giai
đoạn dồn nén buộc đứa trẻ phải từ bỏ phần lớn mục tiêu dục tính trẻ con và
đứa trẻ thay đổi thái độ đối với cha mẹ một cách sâu sắc. Đứa trẻ vẫn còn
gắn bó với cha mẹ, nhưng những ham muốn của nó thì phải nói “về mặt
mục đích đã bị ngăn chặn”. Tình cảm của nó với những người thân yêu
được gọi là “âu yếm”. Nhưng như ta đã biết, trong vô thức khao khát “sắc
dục” lúc trước vẫn còn được giữ ở một mức độ nào đó, cho nên theo một
nghĩa nào đó thì nhánh dục lạc đó vẫn còn tồn tại.
Đến tuổi dậy thì bỗng phát triển một xu hướng mới, mạnh mẽ nhằm
đạt mục tiêu dục tính trực tiếp. Trong những trường hợp bất lợi thì các khao
khát mãnh liệt mới đó sẽ vẫn là luồng sắc dục tách rời khỏi luồng tình cảm
“âu yếm” tồn tại từ lâu. Chúng ta có một bức tranh mà có những xu hướng
văn chương nhất định sẵn sàng lí tưởng hóa cả hai mặt. Người đàn ông thể