nói đối tượng đã nuốt chửng “Tôi”. Trong mọi trường hợp yêu đương đều
nổi rõ những đặc điểm như nhún nhường, hạn chế ngã ái, quên mình. Trong
trường hợp cực đoan những đặc điểm ấy được khuyếch đại lên và do các
ham muốn nhục dục đã bị gạt bỏ mà chúng trở thành quan trọng hàng đầu.
Điều này đặc biệt dễ xảy ra trong những mối tình bất hạnh, bất thành vì mỗi
lần nhục dục được thỏa mãn thì mức độ lí tưởng hoá đối tượng lại giảm sút
phần nào. Đồng thời với việc hi sinh cái “Tôi” cho đối tượng (sự hi sinh
này không khác gì hi sinh thăng hóa cho một lí tưởng trừu tượng), những
chức năng của “Tôi”- lí tưởng không còn. Chức năng phê phán xuất phát từ
“Tôi”- lí tưởng đã không còn lên tiếng nữa thì dù đối tượng có làm gì, có
đòi hỏi gì cũng đều là đúng, cũng là không chê vào đâu được. Lương tâm
không còn chỗ trong những việc người ta làm vì đối tượng. Mù quáng vì
tình, người ta có thể phạm cả tội ác mà không hề hối hận. Tình trạng ấy có
thể thâu tóm vào công thức sau: đối tượng đã chiếm chỗ của “Tôi”- lí
tưởng.
Rất dễ dàng mô tả sự khác nhau giữa đồng nhất hóa và yêu đương
trong những biểu hiện cực đoan nhất của nó, được gọi là mê mẩn hay phục
tùng nô lệ. Trong trường hợp thứ nhất “Tôi” được làm giàu thêm bằng các
phẩm chất của đối tượng, theo cách nói của Ferenczi thì nó “nhập nội” đối
tượng; trong trường hợp thứ hai nó nghèo đi, nó hi sinh mình cho đối
tượng, nó lấy đối tượng thay vào thành phần quan trọng nhất của mình. Tuy
nhiên khi xem xét thật kĩ thì có thể thấy cách mô tả như vậy tạo ra những
điểm đối lập mà thực ra là không có. Đứng về phương diện lợi ích thì đấy
không phải là vấn đề giầu lên hay nghèo đi, tình trạng yêu thương cùng cực
cũng có thể mô tả như là cái “Tôi” nhập nội đối tượng. Có lẽ sự phân biệt
sau đây bao quát được thực chất vấn đề. Trong trường hợp đồng nhất hóa,
đối tượng biến mất hoặc người ta từ bỏ đối tượng, sau đó nó được tái sinh
vào “Tôi”; “Tôi” thay đổi phần nào theo nguyên mẫu của đối tượng đã mất.
Trong trường hợp kia đối tượng vẫn còn, và được đánh giá cao hơn và bằng
cách hạ thấp chính “Tôi”. Nhưng sự phân biệt như thế cũng có chỗ đáng
thắc mắc. Có phải đã xác định rõ ràng rằng đồng nhất hoá là từ bỏ ham