tự trách mình vì đã nhấn mạnh một chiều quan hệ với người cầm đầu mà
không chú ý gì đến tác nhân khác là hỗ tương ám thị.
Chúng ta hãy khiêm tốn lắng nghe một giọng nói khác, giọng nói sẽ
đưa ra cho chúng ta lời giải thích trên một cơ sở đơn giản hơn. Tôi xin
mựơn lời giải thích từ cuốn sách viết về bản năng bầy đàn của ông W.
Trotter, chỉ tiếc là cuốn sách đã không hoàn toàn tránh được mối ác cảm do
cuộc Đại chiến vừa rồi gây ra (Cuộc đại chiến thế giới thứ nhất 1914-1918
– ND).
Trotter cho rằng những hiện tượng tinh thần vừa mô tả là sản phẩm
của bản năng bầy đàn (gregariousness) bẩm sinh của con người cũng như
các loài động vật khác. Về mặt sinh học thì tính chất bầy đàn đó có thể coi
là sự tiếp tục của cơ chế đa bào, còn trong lý thuyết libido thì nó là biểu
hiện của một khuynh hướng của libido, khuynh hướng tập hợp tất cả các
sinh vật sống giống nhau thành một đơn vị to lớn hơn. Mỗi cá thể đều cảm
thấy mình chưa toàn vẹn (incomplete) khi đứng một mình. Nỗi sợ hãi của
đứa trẻ là biểu hiện của bản năng bầy đàn này. Chống lại bầy cũng có nghĩa
là bị chia lìa khỏi bầy nên việc chống đối thường bị né tránh vì sợ hãi.
Nhưng bầy đàn lại phủ nhận bất cứ cái gì là mới mẻ, chưa quen. Bản năng
bầy đàn là bản năng nguyên thuỷ, không còn phân tích ra nhỏ hơn được
nữa (it cannot be split up).
Trotter dẫn ra một một loạt dục vọng (hay là bản năng) mà ông coi
là nguyên thuỷ: bản năng bảo tồn, bản năng dinh dữơng, bản năng tính dục
và bản năng bầy đàn. Bản năng bầy đàn thường đối lập với các bản năng
khác. Ý thức về tội lỗi và trách nhiệm là tài sản đặc trưng của con vật sống
thành bày (gregarious animal). Theo quan niệm của Trotter thì sức mạnh
dồn nén mà phân tâm học phát hiện được trong cái “Tôi”, nghĩa là sự chống
cự mà thày thuốc gặp phải khi thực hiện chữa trị bằng phân tâm là xuất
phát từ bản năng bầy đàn. Tiếng nói có tầm quan trọng vì nó giúp những cá
nhân trong đoàn hiểu lẫn nhau, dựa vào nó mà có sự đồng nhất hoá các cá
nhân trong đoàn với nhau.