đòi hỏi công bằng ấy là cội rễ của lương tâm và tinh thần trách nhiệm.
Chúng tôi vô tình đã tìm thấy và nhờ phân tâm học mà hiểu được biểu hiện
của đòi hỏi công bằng ấy trong nỗi sợ truyền bệnh cho người khác của
những người mắc bệnh giang mai. Nỗi sợ hãi của người bệnh là biểu hiện
việc chống lại cái ước muốn vô thức đổ bệnh cho kẻ khác. Bởi vì tại sao chỉ
có họ bị bệnh và chịu thiệt thòi đủ thứ, trong khi người khác thì không?
Câu chuyện tuyệt vời về vụ xử kiện của Solomon cũng có cùng một cội rễ
như vậy: nếu con của một bà chết thì những bà khác cũng không được có
con sống. Căn cứ vào ước muốn đó mà nhà vua tìm được người bị nạn.
Như vậy là ý thức xã hội được đặt nền móng trên sự chuyển hóa
một tình cảm mà khởi thủy là thù địch thành tình cảm tích cực mang đặc
điểm của đồng nhất hoá. Vì chúng tôi theo dõi quá trình đó cho đến nay
cho nên chúng tôi nhận thấy là quá trình ấy diễn ra do ảnh hưởng của tình
cảm trìu mến với một người khác ở bên ngoài nhóm ấy. Chúng tôi cũng tự
thấy sự phân tích về đồng nhất hoá của mình là chưa hoàn hảo, nhưng đối
với mục đích của chúng ta hiện nay thì cần phải quay lại với luận điểm rằng
đám đông đòi hỏi một sự công bằng triệt để. Như chúng ta đã thấy khi bàn
về hai loại đám đông nhân tạo là nhà thờ và quân đội thì điều kiện tiên
quyết để chúng tồn tại là tình thương đồng đều của người cầm đầu đối với
mọi thành viên của tập thể đó. Nhưng chúng ta cũng không được quên rằng
đòi hỏi công bằng trong đám đông ấy chỉ áp dụng cho các thành viên của
nó chứ không liên quan đến người cầm đầu. Mọi thành viên của đám đông
phải ngang nhau, nhưng họ đều muốn có một người cầm đầu thống trị tất
cả. Nhiều người giống nhau, có thể đồng nhất hóa với nhau, và một người,
một người duy nhất, cao hơn tất cả - đấy là tình trạng của một đám đông có
sức sống. Bởi vậy cho nên chúng tôi mạn phép sửa lại quan điểm của
Trotter: người là con vật sống thành bầy, người là con vật thuộc bầy, thành
viên của bầy, do một chúa chòm dẫn dắt.