10. ĐÁM ĐÔNG VÀ BẦY ĐÀN NGUYÊN THỦY
Năm 1912 tôi đã chấp nhận giả thuyết của Ch. Darwin rằng hình
thức nguyên thủy của tổ chức xã hội loài người là một bầy ô hợp chịu sự
thống trị độc đoán của một người đàn ông có uy lực. Tôi đã cố gắng chứng
minh rằng bầy đàn đó đã để lại những dấu vết không phai mờ trong lịch sử
nhân loại, thí dụ như sự phát triển của chế độ tôn thờ vật tổ (totemism) là
khởi đầu của tôn giáo, đạo đức và phân hoá xã hội liên quan đến việc thủ
tiêu người cầm đầu và biến bày ô hợp phụ hệ thành cộng đồng huynh đệ.
Thực ra đây chỉ là một giả thuyết cũng như nhiều giả thuyết khác mà các
nhà nghiên cứu về thời tiền sử dùng để soi rọi bức màn bí mật thời nguyên
thủy - một nhà phê bình người Anh, ông Kroeger, gọi đây là một câu
chuyện (just a story) - nhưng tôi cho rằng giả thuyết này rất đáng được
quan tâm nếu có thể dùng nó để thiết lập các mối liên kết và giải thích
trong những lĩnh vực khoa học khác.
Đám đông cho chúng ta một bức tranh quen thuộc: một người đàn
ông đầy uy lực giữa đám người bình đẳng với nhau, một bức tranh có sẵn
trong tưởng tượng của chúng ta về bầy ô hợp nguyên thủy. Tâm lí của đám
đông đó như chúng ta đọc thấy trong các mô tả đã trích dẫn: biến mất ý
thức cá nhân, hướng ý nghĩ và tình cảm theo một chiều duy nhất, lĩnh vực
tình cảm và vô thức trỗi dậy, khuynh hướng muốn thực hiện ngay những ý
định vừa xuất hiện - tương ứng với sự thoái hoá về một đời sống tinh thần
sơ khai có thể gán cho bầy đàn nguyên thủy.
Những điều chúng tôi mô tả trước đây về đặc điểm chung của đám
đông đặc biệt phù hợp với bầy ô hợp nguyên thủy. Ý chí của từng cá nhân
quá yếu, hắn không dám hành động. Chỉ có những xung lực tập thể là được
thực hiện, chỉ tồn tại ý chí tập thể, không còn ý chí cá nhân, ý niệm không
thể biến thành ý chí nếu người ta không thấy rằng nó đã được tăng cường
nhờ phổ biến khắp mọi người. Sự yếu ớt của ý niệm là do liên lạc tình cảm
rất mạnh giữa mọi người với nhau; điều kiện sống giống nhau và không có
tài sản riêng cũng tạo ra những hành động giống nhau của các cá nhân riêng