bản ngã của hắn và các cá nhân đó do ám thị, nghĩa là đồng nhất hóa, mà
cuốn hút theo hắn.
Tóm lại, lời giải thích mà chúng tôi đưa ra về cơ cấu libido của đám
đông có thể rút gọn vào trong sự chia tách cái “Tôi” khỏi “Tôi”-lí tưởng và
vì vậy mà có hai loại ràng buộc: đồng nhất hóa và thay thế “Tôi”-lí tưởng
bằng đối tượng. Giả thiết về thang bậc đó trong cái “Tôi” như là bước đầu
trong việc phân tích cái “Tôi” của con người phải dần dần tìm thấy sự
khẳng định trong các lĩnh vực khác của tâm lí học. Trong bài báo Zur
Einführung des Narzißmus tôi đã thu thập tất cả các dữ kiện về mặt bệnh lí
học làm cơ sở cho việc phân biệt đó. Chắc chắn là khi nghiên cứu sâu vào
tâm lí học của bệnh loạn thần kinh (Psychose) ta sẽ thấy vai trò lớn hơn của
ngã ái. Chúng ta phải nhớ rằng cái “Tôi” đóng vai trò của đối tượng trong
quan hệ với “Tôi”-lí tưởng và có thể toàn bộ những quan hệ mà chúng tôi
đã nghiên cứu trong lí thuyết về bệnh suy nhược thần kinh giữa đối tượng
bên ngoài và toàn thể cái “Tôi” cũng sẽ lặp lại trên bình diện mới này trong
cái “Tôi”.
Tôi muốn từ quan điểm ấy tiếp tục thảo luận một trong những hậu
quả có thể xảy ra và như vậy là thảo luận một vấn đề mà tôi chưa giải quyết
ở một chỗ khác. Mỗi một sự phân hóa tâm thần mà ta đã làm quen lại gây
thêm khó khăn cho chức năng tâm thần, làm nó thêm mất ổn định và có thể
là khởi điểm của sự đình chỉ hoạt động, của bệnh tật. Chúng ta khi vừa sinh
ra là ngay lập tức bước từ tình trạng ngã ái tự túc tụ mãn sang tình trạng tri
giác thế giới luôn luôn biến đổi bên ngoài và bắt đầu quá trình tìm kiếm đối
tượng; và kết quả là chúng ta không thể ở trong trạng thái này trong một
thời gian lâu, chúng ta phải thường xuyên rời bỏ nó và trở về tình trạng
không có kích thích như trước đây và lẩn tránh đối tượng trong giấc ngủ.
Tất nhiên là chúng ta tuân theo chỉ dẫn của thế giới bên ngoài, cái thế giới
tạm thời giải phóng chúng ta khỏi nhiều tác nhân bằng cách thay đổi theo
chu kì ngày và đêm.
Trong quá trình phát triển từ bé tới lớn chúng ta chia toàn bộ thế
giới nội tâm của ta thành cái “Tôi” nhất quán và cái vô thức nằm ngoài