giết cha, một người cha đóng vai quỉ sứ vật tổ trong huyền thoại. Nếu
người cha là nhân vật lí tưởng của đứa trẻ thì thi nhân tạo ra trong người
anh hùng cái “Tôi”-lí tưởng đầu tiên thế chỗ cho cha. Đứa con út, kẻ được
mẹ yêu mến và bảo vệ khỏi sự ghen ghét của cha, kẻ kế vị cha trong thời
tiền sử có thể là một người hùng. Trong sự thi vị hóa sai lầm thời tiền sử thì
người đàn bà vốn chỉ là sự cám dỗ và phần thưởng sau cuộc chém giết đã
trở thành nguyên nhân và kẻ xúi giục của tội ác.
Huyền thoại gán cho người anh hùng hành động mà dĩ nhiên là chỉ
có toàn bộ bầy đàn mới thực hiện nổi. Theo Rank thì huyền thoại dù sao
vẫn giữ được các dấu tích của các sự kiện đã bị che khuất. Thí dụ huyền
thoại thường kể rằng người anh hùng phải làm một việc cực kì khó khăn
(đa số trường hợp thì đấy là người con út, hắn thường giả vờ khờ khạo
nghĩa là làm ra vẻ không nguy hiểm đối với bố) và hắn chỉ hoàn thành
nhiệm vụ nhờ sự trợ giúp của các con vật nhỏ như ong, kiến. Đấy chính là
những người anh em trong bầy ô hợp nguyên thủy, cũng giống như trong
biểu tượng của giấc mơ, sâu bọ, côn trùng tượng trưng cho anh chị em
(khinh bỉ như trẻ con). Ngoài ra, có thể nhận ra một cách dễ dàng những
hành vi trong truyện cổ tích và huyền thoại tượng trưng cho hành động anh
hùng.
Như vậy là huyền thoại là bước đi mà nhờ nó con người thoát khỏi
tâm lí đám đông. Huyền thoại đầu tiên chắc chắn phải là huyền thoại tâm lí,
huyền thoại anh hùng ca; huyền thoại về vũ trụ phải xuất hiện sau rất nhiều.
Cũng theo Rank thì người thi sĩ, sau khi làm được bước đó, nghĩa là giải
phóng khỏi đám đông trong trí tưởng tượng của mình lại biết cách quay về
với đám đông đó. Y quay về với đám đông và kể cho họ nghe về những
chiến công của người anh hùng do y sáng tạo ra. Người anh hùng ấy chẳng
phải ai khác mà chính là thi nhân.
Như vậy là thi nhân hạ xuống ngang tầm thực tại và nâng người
nghe lên ngang tầm trí tưởng tượng. Còn người nghe lại hiểu thi sĩ, họ có
thể tự đồng hóa với người anh hùng trên cơ sở quan hệ cuồng nhiệt với
người cha nguyên thủy.