TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG - Trang 31

được coi là sản phẩm của sự hư cấu thuần túy. Đó là những bài viết tưởng
tượng về những sự kiện được quan sát tồi, thêm vào đó là những giải thích
được nhào nặn về sau này. Nếu như quá khứ không để lại cho chúng ta
những tượng đài kỷ niệm, những tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc, thì có lẽ
chúng ta không hề biết thực ra nó như thế nào. Liệu chúng ta có biết, dù chỉ
một câu thực sự về cuộc đời của những con người vĩ đại đã từng đóng một
vai trò to lớn trong lịch sử loài người? Nhiều khả năng là không. Xét cho
cùng thì chúng ta rất ít quan tâm đến cuộc đời thực của những vị như thế.
Chỉ những anh hùng trong truyền thuyết, chứ không phải những anh hùng
trong đời thực đã làm nên ấn tượng trong đám đông.

Tiếc rằng các truyền thuyết tự nó không tồn tại lâu dài. Trí tưởng tượng

của con người sẽ nhào nặn nó tùy theo thời đại và chủng tộc. Từ đức Jehova
tàn bạo trong kinh thánh cho đến đức chúa trời đầy tình thương của thánh
Therese là cả một bước lớn, và Đức Phật được kính trọng ở Trung quốc với
Đức Phật được yêu mến ở Ấn độ chẳng có chút gì giống nhau.

Không cần phải có đến cả một thế kỷ mới đủ để cho các anh hùng truyền

thuyết trong trí tưởng tượng của đám đông biến đổi; sự biến đổi này thường
xảy ra chỉ trong một vài năm. Chúng ta, trong những tháng ngày của cuộc
đời cũng đã từng chứng kiến truyền thuyết về một trong những anh hùng vĩ
đại nhất của lịch sử, chỉ trong vòng chưa đầy năm mươi năm đã thay đổi
nhiều lần. Dưới thời Bourbon, Napoleon là một nhân vật bình dị, dễ gần và
cởi mở, là người bạn của dân nghèo, những người như một nhà thơ đã nói, sẽ
mãi mãi giữ những kỷ niệm về ông ta trong những túp lều tồi tàn của mình.
Ba mươi năm sau đó người anh hùng đáng mến đã trở thành một tên bạo
chúa, một tên tiếm quyền, cướp đoạt tự do, một kẻ đã hy sinh mạng sống của
ba triệu sinh linh chỉ để thỏa mãn tham vọng của mình. Nhiều thế kỷ tới,
những nhà nghiên cứu trong tương lai nào đó, khi thấy những tường thuật
trái ngược nhau về cùng một con người, có thể họ sẽ phải hoài nghi về cuộc
đời của vị anh hùng này, như chúng ta thỉnh thoảng đã hoài nghi về cuộc đời
của Phật, và sau đó chúng ta chỉ thấy từ ông một huyền thoại chói ngời hoặc
một sự tiếp nối của truyện dân gian về người anh hùng Hercules. Rõ ràng họ
sẽ không vướng mắc nhiều với nỗi hoài nghi đó, bởi vì họ có kiến thức về
tâm lý học tốt hơn chúng ta ngày nay, cho nên họ sẽ biết ngay rằng lịch sử
chỉ muốn lưu danh những huyền thoại.

§3. Tính thái quá (exagération) và tính phiến diện (simplisme) của tình
cảm đám đông

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.