gương của người thợ săn.
Ngay cả những tên vô lại bẩm sinh, có khi chỉ vì là một thành viên của
đám đông, chúng cũng đã trở thành những kẻ rất tôn trọng các quy tắc đạo
đức. Taine đã chỉ ra rằng, những tên đồ tể của những ngày tháng 9 [1792] đã
đem nộp hết tất cả những đồ trang sức, ví tiền thu lượm được từ các nạn
nhân của chúng cho uỷ ban cách mạng, mặc dù việc biển thủ những thứ đó
hoàn toàn dễ dàng. Cái đám đông dân chúng lúc nhúc, la hét và rách rưới
kia, khi tràn vào cung điện Tuilerie không hề cầm đi bất cứ một thứ gì cho
dù chúng có thể làm cho họ hoa mắt và giá trị của chúng là bánh mỳ cho mỗi
một người trong nhiều ngày.
Sự tha hóa đạo đức của một cá nhân bởi đám đông chắc chắn không phải
là một quy luật cứng nhắc, nhưng nó là điều người ta liên tục quan sát thấy,
và ngay cả trong những hoàn cảnh không khắt khe như tôi đã trình bày trên
đây. Như tôi đã từng nói, đám đông trong nhà hát đòi hỏi những anh hùng
của họ trong các vở kịch những phẩm hạnh cao quá mức, và ngay cả một
khối khán giả gồm những người thuộc tầng lớp thấp, nhiều khi cũng cho
rằng đó là quá lố. Tay chơi chuyên nghiệp, chủ nhà chứa, kẻ lang thang, kẻ
nghiện thể thao thường kêu ca về một kịch cảnh hơi sàm sỡ hoặc một câu nói
tục tĩu trong đó, thế nhưng so với những gì họ thường sử dụng trong các
cuộc nói chuyện hàng ngày thì chúng quả là vô hại.
Đám đông thường tuân theo những bản năng thấp hèn, tuy nhiên cũng có
lúc nó tỏ ra có những hành động cực kỳ cao thượng. Nếu nói rằng lòng vị
tha, sự hy sinh, sự dâng hiến một cách vô điều kiện cho một lý tưởng, hão
huyền hoặc thực tế, là những nhân cách đạo đức, thì ta có thể nói rằng, đám
đông thường có một nhân cách như vậy ở mức độ rất cao mà ngay cả những
triết gia thông thái nhất cũng hiếm khi đạt đến được. Dĩ nhiên họ thể hiện
những tính cách đó một cách vô thức, nhưng cái đó không quan trọng. Giả
như đám đông cũng suy tính thiệt hơn, thì có lẽ không hề có một nền văn
hóa nào có thể nảy nở trên hành tinh của chúng ta và loài người sẽ mãi
không bao giờ có lịch sử.