Những ý tưởng nào đám đông thích tiếp nhận mặc lòng, chúng chỉ có thể
phát huy tác dụng, nếu khi đám đông tiếp nhận chúng, chúng có một hình
thức rất đơn giản và phản ánh vào tâm trí họ dưới dạng hình ảnh. Không có
ràng buộc nào của sự sắp đặt một cách logic, hay là sự mạch lạc đuợc dùng
để kết nối những hình ảnh tưởng tượng đó lại với nhau; chúng có thể thay
thế nhau như những tấm kính ảnh của chiếc đèn chiếu nhiệm màu (Larterna
magica), được người trình diễn lấy ra từ một cái hộp. Người ta cũng sẽ nhận
thấy trong đám đông những sự tưởng tượng trái ngược nhau tiếp nối xuất
hiện. Dưới tác động của một trong những ý tưởng được chứa sẵn trong đầu,
đám đông sẽ tuân theo một một ý nghĩ chợt lóe lên và sẽ thực hiện những
hành động rất khác nhau. Sự thiếu vắng hoàn toàn khả năng xét đoán đã làm
cho họ không thể nhận ra được các mâu thuẫn.
Hiện tượng như vậy không chỉ xuất hiện ở đám đông. Người ta cũng thấy
nó ở nhiều con người độc lập, và không chỉ ở người nguyên thủy. Tôi cũng
đã quan sát thấy điều đó ở những người có học theo đạo Hindu, đang theo
học và làm luận văn tiến sĩ tại các trường đại học ở châu Âu chúng ta.
Những nền tảng xã hội và tín ngưỡng vững chắc mà họ được kế thừa không
hề bị suy chuyển, khi người ta phủ lên chúng một lớp quan điểm châu Âu xa
lạ. Trong những cơ hội tình cờ, những thành phần của cái nền tảng đó sẽ lộ
ra, khi bằng lời nói khi bằng hành động và lúc đó ở cùng một con người cho
thấy có những mâu thuẫn rất rõ ràng. Dĩ nhiên những mâu thuẫn này có vẻ
hình thức nhiều hơn là thực sự, bởi đối với một người độc lập, chỉ những
hình ảnh được kế thừa mới đủ mạnh để có thể biến thành những động lực
thúc đẩy những hành vi của nó. Chỉ khi, con người do bị lai giống từ các gen
di truyền khác nhau, họ mới có thể bất chợt có những hành động thực sự
mâu thuẫn với nhau. Ở đây cũng không cần thiết đặc biệt nhấn mạnh đến
những hiện tượng như vậy, mặc dù chúng có những ý nghĩa cơ bản đối với
tâm lý học. Theo tôi nghĩ, để có thể hiểu được chúng người ta phải cần tới ít
nhất mười năm đi đây đó và quan sát.
Bởi những ý tưởng, chỉ với cấu trúc rất đơn giản mới thâm nhập được
vào đám đông, cho nên để có thể trở thành bình dân, dễ gần, chúng phải tự
hoàn toàn đổi dạng. Nếu đó là những ý tưởng triết học hoặc khoa học cao
siêu, người ta có thể định ra những thay đổi cơ bản cần thiết, từng bậc một,
xuống thấp dần cho đến khi thích hợp với đám đông. Mức độ của sự thay đổi
này phụ thuộc rất nhiều vào chủng tộc tạo nên đám đông đó, tuy nhiên kiểu
nào thì nó cũng phải luôn thu nhỏ lại và đơn giản hơn. Bởi thế, theo quan