Chương 3: Những ý tưởng, những lập luận và trí tưởng tượng của đám
đông
§1. Những ý tưởng của đám đông
Những nghiên cứu từ một công trình trước đây của tôi về ý nghĩa của các
ý tưởng đối với sự phát triển của các dân tộc đã chứng minh rằng, mỗi một
nền văn minh đều phát triển dựa trên một số ít những ý tưởng nền tảng,
thường rất ít khi đổi mới. Ở đấy tôi đã trình bày, các ý tưởng này đã bám
chặt vào tâm hồn của đám đông như thế nào, nó đã thấm vào những tâm hồn
đó môt cách khó nhọc ra sao, và sau đấy nó đã đạt đến sức mạnh như thế
nào. Tôi cũng đã chỉ ra rằng, những biến đổi vĩ đại trong lịch sử thường xuất
phát từ sự thay đổi của những ý tưởng nền tảng này.
Do bởi tôi đã luận giải vấn đề này một cách đầy đủ, cho nên tôi không
muốn quay trở lại nữa và tôi chỉ muốn giới hạn trong một vài lời về những ý
tưởng đã tiếp cận vào đám đông và đám đông đã tiếp nhận chúng ở những
dạng nào.
Người ta có thể phân những ý tưởng đó thành hai loại. Thuộc về loại thứ
nhất, chúng ta thấy là những ý tưởng tình cờ và thoáng qua, chúng sinh ra do
một ảnh hưởng tức thời: ví dụ như tình cảm dành cho một cá nhân hoặc một
học thuyết. Thuộc về loại thứ hai là những ý tưởng nền tảng, được môi
trường, di truyền và đức tin tạo cho một sự bền vững lâu dài, ví dụ như các
giáo lý khi xưa, những tư tưởng dân chủ và xã hội ngày nay.
Người ta có thể ví những tư tưởng nền tảng như khối nước của một dòng
sông đang chậm rãi trôi, những ý tưởng thoáng qua là những gợn sóng luôn
thay đổi trên bề mặt, nó làm cho bề mặt sống động mặt dù chẳng có ý nghĩa
gì rõ ràng hơn là bản thân dòng chảy.
Trong thời đại của chúng ta, những quan điểm nền tảng, mà cha ông
chúng ta đã từng sống với chúng, ngày càng trở nên bị lung lay và đồng thời
những thiết chế dựa trên những ý tưởng đó cũng bị chấn động hoàn toàn.
Hàng ngày có biết bao nhiêu những ý tưởng thoáng qua nảy sinh, như tôi đã
nói về chúng ở trên; nhưng dường như chỉ một số ít trong đó có thể đạt được
ảnh hưởng đáng kể.