Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của lãnh đạo nhà nước là
những thứ mà tên gọi cũ của chúng làm đám đông ghê tởm phải được thay
thế bằng những cái tên gần gũi với dân chúng hoặc ít nhất cũng không mang
một ý nghĩa gì. Quyền lực của ngôn từ mạnh đến nỗi, chỉ cần khéo chọn
những cái tên cũng đủ để có thể làm cho đám đông chấp nhận cả những sự
việc đáng căm ghét nhất. Taine đã chỉ ra rất chí lý, rằng những người
Jacobin nghe theo tiếng gọi của những từ ngữ rất phổ biến thời đó như “tự
do” “bác ái” đã bắt một chế độ chuyên chế - từ này lẽ ra chỉ xứng đáng để
giành cho chế độ của vương quyền Dahomey - phải chịu một cảnh xét xử
công khai như tòa dị giáo và chịu cảnh hành quyết hàng loạt giống như thời
xưa ở Mexico. Nghệ thuật lãnh đạo của chính quyền giống như nghệ thuật
của các luật sư ở chỗ là phải hiểu cách làm chủ các ngôn từ. Đó là một nghệ
thuật khó, bởi trong cùng một xã hội, những ngôn từ giống nhau đối với các
thành phần xã hội khác nhau thường mang những ý nghĩa hoàn toàn khác
nhau. Họ có vẻ sử dụng cùng một từ, nhưng nói ra không cùng một thứ
tiếng.
Trong các ví dụ trên đây chúng ta đã đặc biệt quan sát riêng rẽ yếu tố
thời gian là nguyên nhân chính làm thay đổi ý nghĩa của các ngôn từ. Nếu
chúng ta chú ý thêm yếu tố chủng tộc, chúng ta sẽ thấy, rằng trong cùng một
thời gian ở các dân tộc có cùng văn hóa, nhưng khác chủng tộc, những từ
giống nhau thường tương ứng với những hình dung hoàn toàn khác nhau.
Những sự khác nhau này nếu người ta không đi đây đi đó, đến nhiều chỗ
khác nhau, sẽ không thể biết đến và hiểu được, và bởi vậy tôi cũng không có
ý nhấn mạnh về chúng. Tôi chỉ giới hạn ở sự nhắc nhở, rằng chính ở ngay
những từ thông thường nhất, ở những dân tộc khác nhau, chúng có ý nghĩa
khác biệt nhất. Ví dụ như các khái niệm “dân chủ” và “chủ nghĩa xã hội”
thường được sử dụng nhiều hiện nay.
Trong thực tế ở các dân tộc Latinh và Anglo-Saxon chúng tương ứng với
những hình dung hoàn toàn trái ngược về nội dung và hình ảnh. Ở các dân
tộc Latinh khái niệm “dân chủ” trước hết mang ý nghĩa loại bỏ những ý chí
và quyết tâm của cá nhân trước nhà nước. Nhà nước ngày càng phải tải nặng
hơn, nó phải lãnh đạo, phải tập trung hóa, phải độc quyền hóa, phải sản xuất.
Tất cả mọi thành phần đều phải phụ thuộc vào nhà nước và không có ngoại
lệ, ngay cả đối với những kẻ quá khích, những phần tử xã hội chủ nghĩa,
những kẻ theo chủ nghĩa quân chủ. Ở các dân tộc Anglo-Saxon cụ thể là
nước Mỹ, cũng chính khái niệm ấy nhưng ngược lại nó mang ý nghĩa của
một sự khuếch trương nồng nhiệt nhất về ước vọng và nhân cách cá nhân, về