Anh lần lượt nghĩ đến hơn một chục khả năng, kể cả khả năng Á
Phàm tự học rồi thi, sau đó học lên nghiên cứu sinh. Khi anh nhận ra
mình càng nghĩ càng trở nên xa vời phi thực tế, anh đứng dậy châm
thuốc hút, anh muốn đầu óc được bình tĩnh trở lại.
Vừa đi đến trước bàn ăn, ánh mắt anh nhận ra có một thứ ở bên
dưới cái bàn.
Đó là tấm ảnh chụp cái túi nước, chắc là lúc nãy Á Phàm lục áo
anh tìm thuốc lá, tấm ảnh bị rơi ra.
Anh nhặt tấm ảnh đặt lên bàn, kéo ghế ngồi xuống, vừa hút thuốc
vừa nhìn kỹ tấm ảnh.
Lát sau, đôi mày anh dần cau lại.
Cái túi xám đen nằm dài trên mặt đất, vũng nước chưa khô phản
chiếu những mảng sáng loang loáng. Tuy cái túi đã được chế biến lại cho
phù hợp nhưng nó vẫn không thể hiện điều gì tà ác, và càng không thể
hình dung nó đã từng là chỗ để một con người bỏ mạng.
Phần dưới của cái túi có thấp thoáng vài vết dọc ngang gì đó, nhìn
thật kỹ sẽ nhận ra đó là những chữ số. Trên nền xám đen của thứ vải cao
su nilon, những chữ số màu đen ấy rất không nổi bật, và rất dễ khiến
người ta bỏ qua vì không nhận ra.
Phương Mộc biết rằng có một số người kinh doanh tự đánh dấu
trên sản phẩm nhằm phân biệt lô hàng, nơi sản xuất, số lượng, thậm chí
cả số điện thoại của người mua. Nhất là đối với những sản phẩm dùng
cho sản xuất, không cần đẹp mắt mà chỉ cần bền chắc được việc, họ đánh
dấu thẳng vào sản phẩm là chuyện bình thường. Nhưng nếu những chữ
số này không thuộc về nhà sản xuất hoặc người bán hàng thì sao?
Nói cách khác, nếu nó là do hung thủ viết trên đó?
Thế thì rất có thể là, khi hung thủ đứng nhìn vào cái túi, chân giẫm
trên vũng nước, hắn đã viết những chữ số này.