Không còn nghi ngờ gì nữa, Giang Á là đối thủ hùng mạnh nhất
trong những đối thủ mà anh đã gặp. Anh ta hầu như đã thừa nhận tất cả,
nhưng phía cảnh sát vẫn không có đủ chứng cứ để lôi anh ta ra trước
pháp luật trừng trị. Điều này Giang Á đã sớm hiểu rõ, nếu không anh ta
đã không dám dùng cái cách gần như khiêu khích này để công khai danh
phận của mình với Phương Mộc.
Nên làm gì đây? Kiên nhẫn chờ lần sau anh ta gây án, rồi sẽ tìm
chứng cứ chăng?
Tuy chưa có chứng cứ xác đáng nhưng chắc chắn phía cảnh sát sẽ
rất để mắt đến anh ta. Trong thời gian ngắn tới đây có lẽ ít có khả năng
anh ta gây án. Vả lại, nạn nhân tiếp theo sẽ là ai? Là một gian thương
tiêu thụ thực phẩm có chất độc, hay một anh quản lý trật tự đô thị chấp
pháp một cách dã man, hay là một anh bác sĩ vô trách nhiệm?
Tuy nhiên, tất cả chưa phải là trọng tâm của vấn đề. Điều mà
Phương Mộc lo lắng nhất là có còn ai muốn truy lùng gã Ánh sáng thành
phố nữa không?
"Cái thành phố này cần đến anh ta, cần có một làn ánh sáng."
Phương Mộc không thể không thừa nhận rằng trong cuộc "giao
lưu" giữa anh và Giang Á, ít nhất cũng có một khoảnh khắc anh đã tán
đồng Giang Á.
Những người sinh sống trong thành phố này, trong cuộc đời dài lê
thê hay ngắn ngủi của mình, ít nhiều cũng từng bị kẻ khác đối xử ác độc.
Trong đó có một số hành vi ác độc chỉ phải gánh chịu áp lực của chuẩn
mực đạo đức. Ở những thời điểm và tình thế ấy, pháp luật tỏ ra mờ nhạt
và không có sức mạnh. Có lẽ chúng ta sẽ thông cảm, sẽ phẫn nộ, nhưng
sẽ không nghĩ rằng mình phải đi đánh giết những kẻ ác vốn chẳng liên
quan gì đến mình. Nỗi khổ của người khác, nói cho cùng vẫn là của họ;
phần lớn nguyên nhân khiến chúng ta nén mình là vì chúng ta không có
cảm giác mình là nạn nhân. Nhưng một khi có người khác đứng lên hành