Bác sĩ Tào lưỡng lự một lát, “Đây cũng là phỏng đoán của tôi thôi.
Trước tiên, tôi muốn nói rõ rằng, tôi không hề phủ định việc Lâm Quốc
Đống là bệnh nhân tâm thần. Nhưng, ông ta đã nhập viện điều trị hai
mươi hai năm, có phải vì ông ta đã từng phạm một tội gì đó, đây được
coi là một biện pháp trừng phạt thay thế?”
“Ồ?”
“Tôi lấy một ví dụ cho nhé.” Bác sĩ Tào ghé sát lại, nói nhỏ, “Cái
từ “cho mắc bệnh tâm thần”, chắc ông đã từng nghe nói rồi chứ?”
Tất nhiên là Đỗ Thành đã từng nghe nói. Nó được dùng để chỉ việc
một số người bình thường (ví dụ như những người có ý kiến phản ánh, tố
giác… đối với chính quyền) bị đưa vào bệnh viện tâm thần để điều trị
cách ly, từ đó bị tước đoạt quyền tự do cá nhân một cách biến tướng.
Bệnh viện thường chỉ có trách nhiệm đối với người đưa đối tượng đó đến
điều trị hoặc người nộp viện phí, còn không sử dụng bất cứ biện pháp
điều trị nào đối với người được gọi là “bệnh nhân”. Có điều, cùng với sự
kiện toàn của các quy định pháp luật, những năm gần đây, tình trạng
“cho mắc bệnh tâm thần” đã rất ít gặp. Bác sĩ Tào rất rõ đây là hành vi vi
phạm pháp luật, cho nên trả lời rất cẩn trọng. Có điều, ông hỏi Đỗ Thành
có phải là người của bộ phận thanh tra công an không, khiến Đỗ Thành
nảy ra một nghi ngờ.
“Ai đưa ông ta đến?”
“Cơ quan công an.” Bác sĩ Tào ngồi thẳng người lên, “Cưỡng bức
điều trị.”
“Công an thành phố? Hay chi cục nào?” Đỗ Thành lập tức truy hỏi.
“Một chi cục nào đó thì phải. Cụ thể thì tôi cũng không nhớ nữa.”
Bác sĩ Tào nhún vai, “Có thể kiểm tra sau. Có điều, đơn vị đưa đến điều
trị cũng khá có trách nhiệm, có một cảnh sát tháng nào cũng đến kiểm tra
tình hình của Lâm Quốc Đống. Hơn hai mươi năm rồi, chưa từng nghỉ
lần nào.”