cùng với lão tặc, thế chẳng cùng đứng. Ngươi nói nên đánh, rất hợp ý cô,
ấy thực là trời đem ngươi đến cho ta vậy.”
[Giang Biểu truyện chép: Quyền chụp thanh đao phạt đứt góc bàn ở
trước mặt nói: ” Chư tướng còn ai dám nói đến việc đón rước Tháo, sẽ
giống như cái bàn này!” Đến đêm tan hội, Du vào gặp Quyền nói: “Mọi
người thấy thư của Tháo, nói rằng quân thuỷ bộ có tám mươi vạn, đều kinh
sợ mất vía, chẳng suy xét rõ thực hư, đưa ra lời bàn luận như thế, thật là vô
vị vậy. Nay cứ thật mà tính, số người Trung Quốc đem theo, bất quá chừng
mười lăm mười sáu vạn, vả lại quân ấy đã mệt mỏi rồi, quân số thu được
của Biểu, nhiều lắm cũng chỉ bảy tám vạn thôi, nhưng còn mang lòng nghi
hoặc. Lấy đám quân lính mỏi mệt, chế ngự số đông quân sĩ hồ nghi, binh
kia dẫu có đông, chẳng có gì phải sợ. Có được năm vạn binh, là đủ để khắc
chế địch rồi, xin tướng quân chớ lo lắng.” Quyền vỗ vào vai Du nói: “Công
Cẩn, khanh nói như thế, rất hợp với bụng cô. Những kẻ như Tử Bố-Văn
Biểu, đều chỉ nghĩ đến vợ con, để ta phải ôm mối lo, khiến ta rất thất vọng,
chỉ có khanh cùng Tử Kính và cô là cùng ý mà thôi, thật là trời đem hai
người bọn khanh tới giúp cô vậy. Nhưng năm vạn quân thì khó mà tập hợp
ngay được, giờ đã tuyển được ba vạn người, thuyền lương chiến cụ đều đủ
cả, khanh hãy cùng với Tử Kính-Trình công cứ thiện tiện khởi hành trước,
cô sẽ dẫn mọi người theo sau ngay, chở theo nhiều tư trang lương thảo, để
làm hậu viện cho khanh. Khanh có thể hoàn toàn tự tin mà hành sự, lỡ ra
gặp chuyện bất như ý, cứ yên trí quay lại với cô, cô sẽ cùng Mạnh Đức
quyết chiến.”]
[Thần Tùng Chi cho rằng khởi xướng cái kế cự Tào công, ban đầu thực
bởi Lỗ Túc vậy. Vào lúc ấy Du còn ở Bà Dương, Túc khuyên Quyền gọi
Du, Du từ Bà Dương trở về, chỉ là cùng với Túc không hẹn mà cùng ý, cho
nên có thể nói là hai người cùng lập được đại công. Bản truyện nói ngay
rằng, Quyền mời quần hạ đến, hỏi kế sách, Du bác bỏ lời bàn của chúng
nhân, một mình bày kế kháng cự địch, xong cũng chẳng bảo rằng Túc đã
bầy mưu từ trước, sợ là đã bỏ mất đi cái khéo của Túc vậy.]