không tính ở lâu dài, sao lại cho quân Thục về nghỉ ngơi, đều là nói những
lời trái với lẽ thường vậy. Tôn Thịnh-Tập Tạc Xỉ đã tìm kiếm những điểm dị
đồng, không bỏ sót điều gì, mà đều không ghi chép lời Xung nói, biết lời ấy
đa phần là ngang trái vậy.
Năm thứ mười hai, Lượng đem hết ba quân theo lối Tà Cốc tiến ra, lấy
ngựa máy để vận chuyển, chiếm núi Võ Công trên Ngũ Trượng nguyên,
cùng với Tư mã Tuyên vương đối trận ở bờ nam sông Vị. Lượng thường lo
lắng việc lương thảo chẳng chuyển kịp, khiến chí của mình chẳng tỏ, bởi thế
chia binh lập đồn điền, muốn làm kế ở lâu dài. Quân lính làm ruộng lẫn với
dân nơi bãi sông Vị, mà trăm họ an cư, quân lính không có chút riêng tư.
Hán Tấn xuân thu chép: Lượng từ lúc đến, mấy lần dụ chiến. Tuyên
Vương cũng dâng biểu về triều cố xin được đánh. Nguỵ sai Vệ uý Tân Bì
cầm cờ tiết đến không cho đánh. Khương Duy nói với Lượng rằng: “Tân Tá
Trị mang cờ tiết đến, quân giặc tất không ra đánh vậy.” Lượng nói: “Bên ấy
vốn không muốn đánh, sở dĩ cố xin được đánh, cốt để yên bụng quân đấy
thôi. Tướng ở trong quân, mệnh vua có chỗ không theo, ví như có thể thắng
ta, há phải đi xa nghìn dặm để xin đánh sao!”
Nguỵ thị Xuân thu chép: Sứ của Lượng đến, Vương chỉ hỏi chuyện ăn
ngủ và những việc làm hàng ngày, chẳng hỏi han gì đến việc binh. Sứ thưa
rằng: “Gia Cát công thức khuya dậy sớm, án phạt từ hai mươi gậy trở lên,
đều tự mình xét hỏi; mà mỗi bữa ăn chẳng được mấy thưng
“. Tuyên
Vương nói: “Lượng sắp chết rồi vậy!”
Cầm giữ nhau hơn trăm ngày. Tháng tám năm ấy, Lượng ốm nặng, mất ở
trong quân, lúc ấy được năm mươi tư tuổi.
Nguỵ thư chép: Lượng thế cùng hết lương, lo buồn tức giận đến thổ
huyết, một đêm đốt nhang trong doanh rồi xua binh trốn chạy, vào tới cốc,
đã phát bệnh mà chết.
Hán Tấn Xuân thu chép: “Lượng chết ở Quách thị ổ”.
Tấn Dương thu
chép: “Có ngôi sao màu đỏ có sừng nhọn, từ phía đông
bắc bay về tây nam, rơi xuống doanh trại của Lượng, ba lần rơi xuống rồi lại
bay lên, loé sáng rồi vụt tắt
. Lát sau Lượng chết”.