ưng thuận. Nay họ Tào soán ngôi nhà Hán, thiên hạ vô chủ, đại vương là
dòng dõi họ Lưu, kế thừa cơ nghiệp, nay lên ngôi hoàng đế, là việc rất nên
làm. Các sĩ đại phu theo đại vương đã lâu, đắng cay trải đủ, nay cũng mong
muốn được chút công danh như lời Thuần nói vậy.” Bởi thế Tiên chủ lên
ngôi hoàng đế, sách mệnh cho Lượng làm thừa tướng rằng: “Trẫm trong nhà
bất hạnh, phụng mệnh kế thừa đại nghiệp, lòng đau đáu sợ hãi, đâu dám
hưởng yên vui, thường lo lắng cho trăm họ, vẫn sợ tài đức mình chẳng đủ.
Than ôi! Thừa tướng của trẫm là Lượng hiểu rõ bụng trẫm, không lười biếng
giúp trẫm sửa bớt lỗi lầm, lấy nghiệp lớn làm trọng, nay tuyên chiếu bố cáo
cùng thiên hạ! mong ngươi hãy gắng sức.” Rồi lấy Lượng làm thừa Tướng
kiêm Lục Thượng thư sự, ban cho Giả tiết. Sau này Trương Phi mất, Lượng
lĩnh thêm chức Tư lệ hiệu úy.
Thục ký chép: Thời Tấn sơ, Phù Phong vương là Tuấn trấn thủ Quan
Trung, tư mã Cao Bình Lưu Bảo, trưởng sử Huỳnh Dương là Hoàn Thấp
cùng các sĩ đại phu luận bàn về Gia Cát Lượng, lúc đó kẻ bàn phần nhiều
chê Lượng, gửi thân không đúng chỗ, làm Thục dân khốn khổ, thế yếu mưu
lớn, chẳng biết lượng sức mình. Quách Xung ở Kim Thành cho rằng Lượng
quyền trí, mưu lược hơn Quản-Án, mà công nghiệp chẳng thành, kẻ bàn luận
còn lấy làm ngờ, Xung liền dẫn ra năm việc của Lượng mà người đời chưa
từng nghe, bọn Bảo cũng chẳng thể làm nổi. Phù Phong vương cho rằng lời
của Xung là đúng.
Thần Tùng Chi cho rằng đây là những lời khen kỳ lạ về Lượng, tuy nghe
chân thành, nhưng cái thuyết ấy của Xung, thật rất đáng ngờ, xin cẩn trọng
theo từng việc để vạch rõ những điều sai trái:
Việc thứ nhất nói rằng: Lượng dùng hình pháp khắc nghiệt, bóc lột trăm
họ, từ kẻ quân tử đến tiểu nhân đều oán thán, Pháp Chính can rằng: “Khi
xưa Cao Tổ vào quan ải, giản ước luật pháp chỉ có ba điều, dân Tần chịu ơn
đức ấy, nay ngài mượn vũ lực, chiếm cứ Ích châu, mới lập nước, ân huệ
chưa rủ xuống; Vả lại theo cái nghĩa chủ khách, nên giảm nhẹ đi, hãy khoan
hoãn hình phạt nới lỏng các điều cấm, để đáp ứng kỳ vọng của người dân
vậy”. Lượng đáp rằng: “Ngài chỉ biết một mà chẳng biết hai. Nhà Tần vô
đạo, hình pháp hà khắc nên dân ai oán, kẻ thất phu gầm thét thị oai, thiên hạ