Diệp Văn Khiết chỉ lên trời, ánh hoàng hôn phía Tây vẫn rất sáng, số
lượng sao trên bầu không ít đến mức có thể dễ dàng đếm được. Điều này dễ
khiến người ta hồi tưởng đến bầu trời lúc chưa có vì sao nào xuất hiện, cõi
hư không màu lam ấy là cả một cõi mênh mang mơ hồ, giống như đôi mắt
không có con ngươi của bức tượng bằng đá cẩm thạch. Giờ đây, mặc dù
tinh tú thưa thớt, nhưng đôi mắt khổng lồ ấy đã có con ngươi. Hư không đã
có nội dung, vũ trụ đã có thị giác. Thế nhưng, so với cả không gian, các
ngôi sao đều thật nhỏ bé, chỉ là những chấm nhỏ màu bạc lúc ẩn lúc hiện,
tựa hồ như ngầm chỉ ra một nỗi bất an nào đó của nhà điêu khắc vũ trụ: ông
ta (hoặc cái đó) không thể kiềm chế nổi ham muốn điểm mắt cho vũ trụ,
song đồng thời cũng ôm trong lòng nỗi sợ hãi khủng khiếp nào đó đối với
hành vi ấy, cuối cùng, sự vĩ đại của không gian và sự nhỏ bé của tinh tú
chính là kết quả cân bằng giữa ham muốn và nỗi sợ hãi này, thể hiện một sự
cẩn trọng vượt trên tất thảy.
“Cậu hãy nhìn xem, mỗi ngôi sao như một điểm trong hình học, cấu trúc
phức tạp của các nền văn minh trong vũ trụ, rồi những nhân tố hỗn loạn và
ngẫu nhiên trong đó đều bị khoảng cách lớn lao nhường ấy lọc đi hết,
những nền văn minh ấy trong mắt chúng ta chính là những điểm có tham
số, vậy thì tương đối dễ xử lý bằng toán học rồi.”
“Nhưng mà, cô giáo Diệp à, ngành xã hội học vũ trụ mà cô nói vốn
chẳng có dữ liệu thực tế nào khả dĩ cung cấp cho nghiên cứu cả, cũng
không thể tiến hành khảo sát và thực nghiệm được.”
“Vì vậy thành quả cuối cùng của cậu sẽ là thuần lý thuyết, cũng như hình
học Euclid vậy, trước tiên đặt ra mấy tiên đề đơn giản không cần chứng
minh, kế đó dựa trên cơ sở những tiên đề này để suy luận ra toàn bộ hệ
thống lý thuyết.”
“Cô giáo Diệp, chuyện này… thật sự quá lý thú, nhưng tiên đề của xã hội
học vũ trụ là gì?”