“Xã hội học vũ trụ?”
“Một danh từ mà tôi thuận miệng nói ra thôi, tức là giả định rằng có vô
số nền văn minh khác nhau phân bố trong vũ trụ, số lượng cũng ngang
ngửa với số hành tinh mà chúng ta có thể quan sát được, nhiều vô cùng tận,
tổng thể những nền văn minh này tạo thành một xã hội vũ trụ, xã hội học
vũ trụ chính là ngành nghiên cứu hình thái của cái siêu xã hội này.”
Trên ngọn núi, Kiến Nâu tiếp tục bò ngang một quãng không xa, mong
đợi khi bò qua cái rãnh hình “—” này sẽ lại tìm thấy một cái rãnh hình “9”
mà nó thích, tuy nhiên nó lại gặp rãnh hình “2”. Nửa đầu tuyến đường này
rất dễ chịu, hiềm nỗi góc ngoặt gấp phía sau lại đáng sợ như rãnh “7” ở
phía trước, gần như là một điềm báo chẳng lành. Kiến Nâu tiếp tục bò
ngang, cái rãnh tiếp theo có hình dạng khép kín “0”. Lộ trình này là một
phần của “9”, nhưng lại là một cái bẫy: cuộc sống cần phẳng lặng trơn tru,
song cũng cần có phương hướng, không thể nào cứ mãi trở về khởi điểm,
Kiến Nâu hiểu được điều này. Tuy rằng phía trước vẫn còn hai đường rãnh
nữa, nhưng nó đã không còn hứng thú tìm hiểu, bèn xoay người bò lên phía
trên.
“Nhưng… hiện tại mới chỉ biết có một nền văn minh của chúng ta thôi
mà.”
“Chính vì vậy nên mới không ai làm việc này, để cho cậu một cơ hội
đó.”
“Cô giáo Diệp, có vẻ thú vị lắm! Cô nói tiếp đi ạ.”
“Tôi nghĩ thế là vì có thể kết hợp hai chuyên ngành của cậu với nhau, so
với xã hội học nhân loại, xã hội học vũ trụ có cấu trúc toán học rất rõ ràng.”
“Sao lại nói như vậy ạ?”