một rãnh nhỏ và ngắn. Rãnh nhỏ ở đầu bên dưới vuông góc với rãnh chính,
rãnh nhỏ ở đầu bên trên thì giao nhau với rãnh chính tạo thành một góc
nhọn. Khi Kiến Nâu leo lên trở lại bề mặt màu đen trơn trượt của vách đá
dựng đứng, ấn tượng của nó về hình dạng chỉnh thể của cái rãnh này là:
“1”.
Bấy giờ, thực thể sống ở trước mặt ngọn núi kia bỗng nhiên thấp đi một
nửa, thành ra tương đương với độ cao của ngọn núi, hiển nhiên là “kẻ đó”
đã ngồi xuống, trên khoảng trời màu lam sẫm vừa lộ ra ấy, các ngôi sao đã
lơ thơ ló dạng. Cặp mắt kẻ đó đang nhìn thẳng vào phần trên ngọn núi,
Kiến Nâu hơi do dự, quyết định tốt nhất là không nên tiến vào tầm nhìn của
đối phương, bèn chuyển hướng bò song song với mặt đất. Rất nhanh, nó
gặp một cái rãnh khác. Nó rất yêu mến bề mặt thô ráp dưới đáy rãnh, vì
cảm giác bò trên đó rất dễ chịu, đồng thời màu sắc dưới đáy rãnh cũng làm
nó liên tưởng đến những quả trứng kiến xung quanh Kiến Chúa. Bởi vậy nó
không ngại quay đầu bò xuống dưới, men theo cái rãnh bò khắp một lượt.
Hình dạng cái rãnh này phức tạp hơn, quành trọn một vòng xong lại vươn
xuống dưới một đoạn, khiến nó nghĩ đến quá trình sau khi tìm kiếm thông
tin về mùi vị rốt cuộc cũng tìm ra được đường về nhà, Kiến Nâu dựng lên
hình dạng cái rãnh trong mạng lưới thần kinh của mình: “9”.
Hiện tại, vật sống ngồi xổm trước ngọn núi đang phát ra âm thanh,
những lời hoàn toàn vượt xa khỏi năng lực lý giải của Kiến Nâu đó là:
“Bản thân sự sống đã rất kỳ diệu, ngay cả đạo lý này mà cũng không
hiểu nổi thì làm sao có thể tìm tòi những thứ sâu sắc hơn nữa chứ?”
Kẻ đó phát ra âm thanh như thể không khí lưu động khi có cơn gió thổi
xuyên qua bụi cỏ, đó là tiếng thở dài, sau đó đứng dậy.
Kiến Nâu tiếp tục bò theo phương song song với mặt đất, tiến vào cái
rãnh thứ ba, là một đường gấp khúc gần như vuông góc: “7”. Kiến Nâu