Bình thường ở đại đội có gặp phải chuyện gì, Diệp Văn Khiết cũng rất
hiếm khi tự biện hộ cho mình mà chỉ lẳng lặng nhận lấy phần thiệt thòi,
lẳng lặng chấp nhận mọi sự ấm ức, càng không bao giờ để liên lụy đến ai.
Nhưng lần này thì khác, cô hiểu rất rõ thế này có nghĩa là gì.
“Chép hộ một phóng viên của báo Đại Sản Xuất mấy tuần trước đến đại
đội phỏng vấn, anh ta tên là…”
“Diệp Văn Khiết!” Cặp mắt chủ nhiệm Trương tựa như hai họng súng
đen ngòm chĩa vào cô, “Tôi cảnh cáo cô, vu cáo người khác sẽ làm cho vấn
đề của cô càng thêm nghiêm trọng. Chúng tôi đã điều tra rõ phía đồng chí
Bạch Mộc Lâm rồi, anh ấy chỉ nhận lời nhờ vả của cô mang thư đến
Hohhot
(*)
gửi đi thôi, không hề biết nội dung bức thư là gì.”
(*) Đây là thủ phủ đồng thời là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa
của khu tự trị Nội Mông Cổ.
“Anh ta… nói như vậy sao?!” Diệp Văn Khiết thấy trước mắt tối sầm lại.
Chủ nhiệm Trương không trả lời cô, mà cầm cuốn sách kia lên, “Cô viết
bức thư này, nhất định là do nó khơi gợi.” Anh ta giơ cuốn sách lên cho đại
đội trưởng và chính trị viên, “Cuốn sách này tên là Mùa xuân tĩnh lặng,
được xuất bản ở Mỹ năm 1962, có ảnh hưởng rất lớn trong thế giới tư bản
chủ nghĩa.” Kế đó, anh ta lấy trong cặp táp ra một cuốn sách khác, bìa da
trắng chữ đen, “Đây là bản dịch tiếng Trung của cuốn sách này, do cơ quan
hữu quan phát hành tham khảo nội bộ, dùng để phê phán. Hiện nay, cấp trên
đã đưa ra nhận định đối với cuốn sách này: đây là một lùm cỏ độc phản
động, cuốn sách này xuất phát từ quan điểm duy tâm lịch sử, tuyên truyền
luận thuyết tận thế, mượn danh vấn đề môi trường để tìm cớ thoái thác cho
kết cục mục nát tàn lụi của thế giới tư bản chủ nghĩa, bản chất của nó hết
sức phản động.”
“Nhưng cuốn sách này… cũng không phải của tôi.” Diệp Văn Khiết yếu
ớt nói.