“Đồng chí Bạch Mộc Lâm là một trong những người được cấp trên chỉ
định dịch cuốn sách này, anh ấy mang theo cuốn sách là hoàn toàn hợp
pháp, tất nhiên, anh ấy cũng có trách nhiệm bảo quản, không nên để cô
nhân lúc mình đi lao động không đề phòng mà lấy trộm đi đọc… bây giờ,
cô đã tìm được trong cuốn sách này vũ khí tư tưởng để tấn công vào chủ
nghĩa xã hội rồi.”
Diệp Văn Khiết im lặng, cô biết mình đã rơi vào hố bẫy, giãy giụa thế
nào cũng chỉ uổng công.
Trái với một số ghi chép lịch sử mà người thời sau được biết, ban đầu
Bạch Mộc Lâm không hề có ý hãm hại Diệp Văn Khiết, lá thư anh ta viết
gửi lên trung ương ấy có khả năng là xuất phát từ trách nhiệm thật tâm.
Thời đó, người viết thư trực tiếp cho trung ương với các mục đích khác
nhau rất nhiều, đại đa số đều như đá chìm đáy biển, cũng có một số ít vì
chuyện này mà trong một đêm chắp cánh bay cao hoặc vướng họa ngập
đầu. Hệ thần kinh chính trị khi ấy cực kỳ phức tạp và lằng nhằng, là một
phóng viên, Bạch Mộc Lâm tự cho rằng mình đã hiểu được hướng đi và
những chỗ nhạy cảm của hệ thống thần kinh này, nhưng anh ta đã tự tin quá
đà, lá thư này của anh ta đã chạm phải bãi mìn mà trước đây anh ta chưa
từng biết. Sau khi nhận được tin tức, nỗi sợ đã áp đảo hết thảy, anh ra quyết
định hy sinh Diệp Văn Khiết để bảo vệ chính mình.
Nửa thế kỷ sau, các nhà sử học nhất trí đồng thuận rằng, sự kiện xảy ra
năm 1969 này là một bước ngoặt của lịch sử nhân loại về sau.
Bạch Mộc Lâm trong lúc vô ý đã trở thành một nhân vật lịch sử quan
trọng mang tính chất cột mốc, nhưng bản thân anh ta lại không có cơ hội
biết điều này, các nhà sử học đã rất thất vọng khi ghi lại nửa phần đời vô vị
còn lại của anh ta. Bạch Mộc Lâm làm việc ở báo Đại Sản Xuất đến năm
1975, lúc đó Binh đoàn xây dựng Nội Mông Cổ bị giải tán, anh ta được
điều đến công tác ở hiệp hội khoa học của một thành phố vùng Đông Bắc
đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sau đó sang Canada định cư, làm
thầy giáo trong một trường tiếng Hoa ở thành phố Ottawa tới năm 1991, rồi