Diệp Văn Khiết chăm chú nhìn Đại Phượng, ngọn đèn dầu là một họa sĩ
tài ba, khắc họa nên một bức tranh sơn dầu cổ điển sắc điệu đậm đà mà lại
có vẻ thanh thoát: Đại Phượng khoác áo bông, chiếc yếm đỏ và một cánh
tay tròn lẳn lộ ra ngoài, ngọn đèn làm hình ảnh cô nổi bật lên, phủ lên
những phần đẹp nhất của cô thứ màu sắc nổi nhất, còn những phần khác thì
khéo léo ẩn đi. Cảnh nền cũng bị ẩn đi, tất cả đều bị nhấn chìm trong một
mảng tối dịu dàng, nhìn kỹ còn thấy cả một quầng sáng màu đỏ sậm, không
phải của ngọn đèn dầu, mà là do than hồng dưới đất chiếu hắt ra, có thể
thấy, cái lạnh bên ngoài đã bắt đầu dùng hơi ẩm ấm áp bên trong nhà điêu
khắc nên những đường vân băng đẹp đẽ trên ô cửa sổ.
“Em sợ sao sẽ rơi xuống hả?” Diệp Văn Khiết khẽ hỏi.
Đại Phượng cười cười lắc đầu: “Sợ gì chứ ạ? Chúng nó nhỏ thế kia mà.”
Diệp Văn Khiết rốt cuộc vẫn không đưa ra câu trả lời của một nhà vật lý
thiên văn mà chỉ nói: “Chúng đều ở rất xa, rất xa, không rơi xuống được
đâu.”
Đại Phượng rất vừa lòng với câu trả lời này, lại tiếp tục cắm cúi vào công
việc may vá của mình. Nhưng Diệp Văn Khiết lại dậy sóng trong lòng, cô
buông sách xuống, nằm trên mặt kháng đất ấm áp, khép hờ hai mắt, mường
tượng ẩn đi cả vũ trụ xung quanh gian phòng nhỏ này, giống như ngọn đèn
dầu kia đã giấu hầu hết không gian bên trong gian phòng nhỏ vào bóng tối
vậy. Sau đó, cô thay thế nó bằng vũ trụ trong lòng Đại Phượng. Lúc này,
bầu trời đêm kia là một mặt cầu khổng lồ màu đen, kích cỡ vừa khéo bao
trọn cái thế giới này, trên mặt cầu ấy khảm vô số ngôi sao lấp lánh ánh bạc,
mỗi ngôi sao không lớn hơn chiếc gương tròn trên cái bàn cũ bằng gỗ kê ở
đầu giường. Thế giới là một mặt phẳng, vươn ra các hướng khác nhau, thật
xa thật xa, nhưng vẫn có giới hạn. Trên mặt phẳng ấy toàn là những dãy núi
giống như dãy Đại Hưng An này, cũng phủ kín rừng rậm, giữa những khu
rừng điểm xuyết các thôn làng giống như thôn Tề Gia này… Vũ trụ giống
như hộp đồ chơi ấy khiến cô cảm thấy dễ chịu vô cùng, dần dần, vũ trụ ấy
đã từ tưởng tượng, biến thành giấc mộng của cô.