cuộn phim đi tráng rửa luôn, nhưng hôm nay anh lại chẳng hứng thú gì. Ăn
qua loa cho xong bữa trưa, anh nằm lăn ra ngủ, vì đêm qua cứ trằn trọc
không yên giấc nên anh ngủ thẳng đến gần năm giờ chiều. Lúc này, anh mới
nhớ ra cuộn phim chụp ban sang, bèn chui vào phòng tối chật hẹp được cải
tạo từ chiếc tủ âm tường để tráng phim.
Cuộn phim nhanh chóng được tráng hết, anh bắt đầu kiểm tra xem có
tấm nào đáng để rửa phóng ra thành ảnh không, nào ngờ ngay bức đầu tiên
anh đã phát hiện một việc kỳ lạ. Bức này chụp một bãi cỏ nhỏ bên ngoài
khu chợ lớn, Uông Diểu thấy ở chính giữa tấm phim có dải gì đó màu trắng,
nhìn kỹ thì là một dãy số: 1200:00:00.
Tấm phim thứ hai cũng có số: 1199:49:33.
Nguyên cả cuộn phim, tấm nào cũng có một hàng số nhỏ.
Tấm thứ ba: 1199:40:18; tấm thứ tư: 1199:32:07; tấm thứ năm:
1199:28:51; tấm thứ sáu: 1199:15:44, tấm thứ bảy: 1199:07:38; tấm thứ
tám: 1198:53:09… tấm thứ ba mươi tư: 1194:50:49; tấm thứ ba mươi sáu,
cũng là tấm cuối cùng: 1194:16:37.
Uông Diểu lập tức nghĩ cuộn phim có vấn đề. Anh dùng máy ảnh cơ Leica
M2 sản xuất năm 1988, toàn bộ thao tác đều bằng tay, không có bất cứ tính
năng tự động nào, càng không thể in chồng lên phim những con số kiểu như
ngày tháng thế này. Chỉ tính riêng ống kính và kết cấu máy tuyệt vời, dù ở
giữa thời đại kỹ thuật số, chiếc máy ảnh này cũng được xếp vào hàng quý
tộc trong số máy ảnh chuyên nghiệp.
Kiểm tra lại từng tấm phim một, Uông Diểu nhanh chóng phát hiện ra
điểm kỳ dị đầu tiên của những con số đó: chúng tự động thích ứng với bối
cảnh. Nếu cảnh nền là màu đen, con số sẽ là màu trắng, còn nếu bối cảnh
màu trắng thì những con số sẽ là màu đen, như để tạo độ tương phản lớn
nhất tiện cho người xem nhìn rõ được. Khi Uông Diểu xem lại tấm phim
thứ mười tám, tim anh bỗng đập thìch thịch, cảm tưởng như trong phòng tối
có một luồng khí lạnh dọc theo sống lưng mình đi lên.