Tấm ảnh này chụp một cây khô trên nền bức tường cũ, bức tường lốm
đốm từng mảng, trong ảnh cũng hiện lên những chỗ đen chỗ trắng đan xen
nhau. Trên cảnh nền này, nếu vẫn ở vị trí bình thường, hàng số kia dù màu
đen hay trắng đều không thể hiện thị rõ ràng, nhưng nó lại đã dựng lên,
đồng thời uốn cong mình, hiện màu trắng men theo thân cây khô sẫm màu,
thoạt trông tựa như một con rắn nhỏ bám trên thân cây vậy.
Uông Diểu bắt đầu nghiên cứu quan hệ số học giữa những con số ấy, mới
đầu anh cho rằng đó là một loại mã số nào đó, nhưng khoảng cách giữa mỗi
nhóm số lại không giống nhau, anh nhanh chóng hiểu ra đây là những con
số chỉ thời gian dùng giờ, phút, giây làm đơn vị tính. Anh lấy cuốn bút ký
nhiếp ảnh của mình ra, trên đó có ghi chép tỉ mỉ thời gian chụp từng bức
ảnh, chính xác đến từng phút. Anh nhận ra, chênh lệch giữa giá trị thời gian
trên hai bức ảnh và khoảng thời gian cách quãng giữa hai lần chụp thực tế là
đồng nhất. Rất rõ ràng, cuộn phim này đang ghi lại thời gian trôi đi với tốc
độ bình thường trong hiện thực theo hướng nghịch đảo. Uông Diểu lập tức
hiểu ra nó là cái gì.
Một bộ đếm ngược thời gian.
Bắt đầu từ 1200 tiếng đồng hồ, hiện tại vẫn còn lại 1194 tiếng.
Hiện tại, không phải, đó là thời khắc chụp xong tấm ảnh cuối cùng trong
cuộn phim. Bộ đếm ngược này vẫn còn tiếp tục chứ?
Uông Diểu ra khỏi phòng tối, lấy một cuộn phim đen trắng mới lắp vào
chiếc Leica, chụp nhanh vài bức trong nhà, cuối cùng lại ra ban công chụp
mấy bức ngoại cảnh. Sau khi chụp hết cuộn phim, anh lấy nó ra khỏi máy,
chui luôn vào phòng tối tráng rửa. Trên những tấm phim đã tráng, những
con số ấy không ngừng hiển hiện trên nền phim như những bóng ma, tấm
đầu tiên là 1187:27:39, từ lúc chụp tấm cuối cùng của cuộn phim trước đến
tấm đầu tiên của cuộn phim này, vừa khéo cách chừng ấy thời gian. Những
tấm sau đó, thời gian cách nhau chừng ba bốn giấy, 1187:27:35, 1187:27:31,
1187:27:27, 1187:27:24… là khoảng thời gian gián cách lúc anh chụp
nhanh.