bay với tốc độ không đổi, bên trong tàu là trạng thái không trọng lượng, di
chuyển rất dễ dàng. Quảng trường số 1 nằm ở phần mũi con tàu hình trụ,
một cái lồng hình bán cầu trong suốt chụp lên, đứng ở đó gần như không
cảm giác được sự tồn tại của lồng chụp, tưởng như đang ở ngoài không
gian vậy. So với hình ảnh toàn ký trong khoang tàu, ở nơi này có thể cảm
nhận được rõ ràng hơn “hiệu ứng phi vật chất” khi bay trong vũ trụ.
“Hiệu ứng phi vật chất” là một khái niệm trong tâm lý học hàng không
vũ trụ. Khi người ta ở thế giới Trái đất, quây xung quanh là các tồn tại vật
chất, hình ảnh thế giới trong tiềm thức của họ là vật chất và vật thực;
nhưng ở không gian bên ngoài xa rời Hệ Mặt trời, các ngôi sao chỉ là
những điểm sáng xa xôi, hệ Ngân Hà chỉ là một vùng sương mù phát sáng,
trên phương diện tri giác và tâm lý, thế giới đã mất đi khối lượng và cảm
giác về vật thực, không gian chi phối hết thảy, vì vậy, hình ảnh thế giới
trong tiềm thức của phi hành gia sẽ từ vật chất biến thành hư không, mô
hình tâm lý này là hệ tọa độ cơ bản trong ngành tâm lý học hàng không vũ
trụ. Lúc này, trên phương diện tâm lý, phi thuyền đã trở thành vật thể duy
nhất trong vũ trụ. Ở vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, chuyển động của
con tàu không thể cảm nhận được, vũ trụ biến thành một gian triển lãm trải
dài vô tận, các vì sao đều như ảo giác, chỉ có phi thuyền là vật triển lãm
duy nhất. Mô hình tâm lý này có thể dẫn đến cảm giác cô độc khủng khiếp,
đồng thời trong tiềm thức rất dễ sinh ra ảo giác có một người quan sát siêu
cấp đang nhìn ngắm “vật triển lãm”, từ đó lại nảy sinh thêm cảm giác bị
động và bất an vì mình hoàn toàn phơi ra trước “người quan sát” đó.
Vì vậy, các dạng tâm lý tiêu cực trong khi phi hành ở không gian ngoài
vũ trụ xa xôi đa phần đều có nền tảng là tính chất siêu rộng mở của môi
trường vũ trụ, nhưng trong môi trường đó, Quan Nhất Phàm không ngờ lại
mắc phải chứng sợ không gian hẹp, đối với một bác sĩ giàu kinh nghiệm