những người đi lên ở thang bên cạnh, cô phát hiện họ ăn mặc rất thoải mái,
không khác gì cư dân trong các thành phố trên mặt đất. Trên thành “giếng”
có rất nhiều cửa sổ thông tin, cái lớn cái nhỏ, một số đang phát chương
trình thời sự, có hình ảnh Trình Tâm bước vào thang máy vũ trụ hơn hai
mươi tiếng trước. Lúc này, Trình Tâm đang được bốn người hộ tống vây ở
giữa, thêm nữa cô lại đeo kính đen, nên không bị ai nhận ra.
Trong quãng đường đi xuống tiếp sau đó, họ lần lượt qua bảy vòng, vì
đường kính của các vòng tăng dần lên, nên độ dốc của hành lang hai bên
cũng càng lúc càng thoải bớt. Trong suốt quá trình này, Trình Tâm có cảm
tưởng mình rơi xuyên qua các địa tầng của thời đại. Trong hơn hai thế kỷ,
trạm cuối được mở rộng hết vòng này tới vòng khác, từ trong ra ngoài, thế
nên địa tầng càng sâu thì càng mới. Vật liệu xây dựng mỗi vòng đều khác
với vòng trước, thoạt nhìn cũng đều có vẻ mới hơn vòng trước rất nhiều,
phong cách xây dựng và trang trí cũng cho thấy mặt cắt của một thời đại.
Từ sắc thái quân sự chỉnh tề đồng nhất kìm nén và lạnh lùng của thời kỳ
Đại Suy Sụp, cho đến sắc thái lãng mạn, lạc quan của nửa sau kỷ nguyên
Khủng hoảng, rồi tới chủ nghĩa hưởng lạc tràn đầy sự tự do và uể oải của
kỷ nguyên Đe dọa. Cho tới vòng 4, các khoang trên vòng đều được xây
dựng cùng với vòng như một chỉnh thể, nhưng từ vòng 5 trở đi, vòng chỉ
cung cấp một không gian để xây dựng, còn các công trình kiến trúc đều
được quy hoạch, dựng lên sau, rất đa dạng phong phú. Đi từ trên xuống,
mỗi khi qua một vòng, cảm giác đi trong trạm vũ trụ dần dần biến mất, sắc
thái đời thường càng lúc càng thêm nồng đậm. Khi họ tới vòng 8, cũng là
vòng ngoài cùng của trạm này, phong cách kiến trúc và môi trường trong
vòng đá hầu như không khác gì một thành phố nhỏ trên mặt đất, trông như
một con phố đi bộ phồn hoa, thêm vào đó trọng lực đã tăng đến tiêu chuẩn
1G, Trình Tâm gần như quên mất rằng nơi này là không gian vũ trụ cách
mặt đất 34.000 km.