đấy, theo như kết quả nghiên cứu, trong số các thiết bị lưu trữ lượng tử
bình thường hiện đại, có hai phần ba sẽ hỏng trong khoảng năm trăm năm.
Vụ này thành ra rất thú vị, vốn dĩ, việc mà chúng ta làm là loại công việc
rất siêu thoát, chỉ dành cho những kẻ lòng dạ thảnh thơi, thoắt cái lại thành
vấn đề rất thực tế rồi, năm trăm năm là rất thực tế, chúng ta chẳng phải
đều là người từ hơn bốn trăm năm trước rồi đấy sao? Chính phủ lập tức
cho ngừng nghiên cứu viện bảo tàng lại, chuyển sang nghiên cứu làm thế
nào lưu trữ các số liệu quan trọng hiện tại, để ít nhất có thể đọc được sau
năm trăm năm nữa. Ha ha... Về sau, nhóm đó tách ra thành một cơ quan
nghiên cứu riêng, chúng ta mới có thể tiếp tục nghiên cứu về viện bảo tàng,
hoặc có thể nói là bia mộ cũng được.
“Các nhà khoa học phát hiện, nếu xét đến thời gian bảo tồn, các thiết bị
lưu trữ ở thời chúng ta còn tốt hơn một chút, họ tìm được một vài đĩa USB
và ổ đĩa cứng thời Công nguyên, có một số không ngờ vẫn còn đọc được
dữ liệu. Theo kết quả thực nghiệm, nếu chất lượng tốt, những thiết bị lưu
trữ này có thể bảo tồn thông tin khoảng năm nghìn năm; đặc biệt là ổ đĩa
quang thời chúng ta, nếu chế tạo bằng các kim loại đặc biệt thì có thể bảo
tồn dữ liệu một cách đáng tin cậy đến một trăm nghìn năm. Nhưng tất cả
đều không bằng các sản phẩm in ấn, sản phẩm in ấn chất lượng tốt, dùng
loại giấy và mực tổng hợp đặc biệt, sau hai trăm nghìn năm vẫn có thể đọc
được. Nhưng tới đây là hết rồi, có nghĩa là, các phương pháp chúng ta
thường dùng để lưu trữ thông tin, nhiều nhất cũng chỉ có thể đảm bảo bảo
tồn được hai trăm nghìn năm. Mà điều họ muốn là một tỷ năm!
“Chúng ta báo cáo lại cho chính phủ liên bang rằng, với trình độ công
nghệ hiện có, muốn lưu trữ 10 GB thông tin hình ảnh và 1 GB thông tin văn
bản (đây là lượng thông tin cơ bản nhất mà dự án viện bảo tàng yêu cầu)
trong một tỷ năm là điều không thể. Họ không tin, nhưng chúng ta đã