4
Lá Thư Thứ Năm
Trong những ngày nóng bức đầu tiên tại New York sau khi về nước, tôi đã
dành kha khá thời gian hòa nhập với nền văn hóa Mỹ. Tôi đọc rất nhiều báo
và bị hấp dẫn đặc biệt bởi các doanh nghiệp ảnh hưởng đến sự phát triển
của Mỹ trong phần quảng cáo. Nếu bạn muốn biết về họ hãy đọc những
trang quảng cáo! Một công thức thú vị. Ví dụ điển hình là những dòng
quảng cáo trên trang: Người Ta Phá Lên Cười Khi Tôi Ngồi Bên Cây Đàn
Piano và Người Ta Mỉm Cười Khi Tôi Gọi Một Hầu Bàn Người Pháp -
những chương nói về cuộc sống của các nhà thẩm mỹ nổi tiếng khiến bạn
bè họ kinh ngạc, khi bất ngờ thể hiện một tài năng, tầm ảnh hưởng hoặc
bản sắc văn hóa mà không ai nghi ngờ trong quá khứ vô sản của họ.
Lúc này tôi ghen tị với những tay chơi nghiệp dư mới nổi theo giả thuyết
ấy. Vì John Hume thì cười thầm, Kenyon không thể chịu đựng được kêu
tướng lên, đám cảnh sát cười chế nhạo và ngay cả Jeremy Clay cũng tủm
tỉm cười khi tôi bảo họ mù.
Thật không may, lúc này, tôi không ở vào vị thế minh họa được mức độ
chính xác chứng mù của họ, hoặc chiều sâu sự ngu xuẩn đáng kinh ngạc
của họ; vì thế nên tôi nhăn nhó với vẻ quả quyết lạnh lùng hết mức có thể,
tự hứa với mình rằng, niềm vui sướng trong tương lai của tôi đó là nhìn
thấy họ há hốc mồm vì ngạc nhiên. Quay lại với biến cố vừa rồi, thật khôi
hài và trẻ con hết sức. Hồi còn bé tôi thường cảm thấy thế khi bà vú không
chấp nhận ý tưởng ngang ngạnh chợt nảy ra - mà chúng nhiều lắm! - và
nhiều khi đưa ra những hình phạt khủng khiếp nhất. Nhưng lúc này, tôi
đang giữ thái độ đúng mực đáng thương, quay lưng lại bàn với những tiếng
cười chế nhạo lọt vào tai, dạ dày sôi trào lên trong cơn phẫn nộ.