Những cô con gái bà nối tiếp bà giúp đỡ, che giấu những người cách mạng
Xã hội và Dân chủ Xã hội. Và cô bé Angiya bao giờ cũng đứng về phía
những con thỏ bị người ta đuổi bắn, những con ngựa bị người ta đánh đập.
Khi nàng lớn lên, mọi người trong gia đình nàng đều ngạc nhiên khi thấy
nàng bênh vực Giáo Hội Gia Tô vì nàng cho rằng Giáo Hội này đang bị đàn
áp, khủng bố.
Không biết là vì nàng tự nhiên tin ở Chúa hay nàng cố làm cho nàng phải
tin, Angiya nói rằng kẻ nào trốn tránh đi nhà thờ là hèn, và trước sự khó
chịu của bà ngoại và mẹ nàng, Angiya đến nhà thờ rước lễ. Dần dần nàng
cho chuyện đi lễ là quan trọng.
Yakanov hỏi nàng với vẻ ngạc nhiên thực sự:
"Tại sao em lại nghĩ rằng Giáo Hội Gia Tô đang bị đàn áp? Có những
chuyện gì xảy ra làm cho em nghĩ thế? Các giáo dân vẫn được tự do đến
nhà thờ. Không ai cấm linh mục làm lễ, kéo chuông, rước Thánh giá – họ
chỉ không được quyền can thiệp vào những vấn đề công dân và giáo dục
mà thôi".
"Rõ ràng là Giáo Hội đang bị đàn áp" – Angiya cãi lại bằng giọng nói ôn
hòa, nhỏ nhẹ như mọi khi của nàng – "Khi người ta nói ra những lời kết tội
Giáo Hội phản động, khi người ta in ra tất cả những gì người ta muốn để
bôi xấu Giáo Hội họ không cho Giáo Hội được quyền trả lời, quyền tự biện
hộ, khi người ta kiểm tra tài sản của Giáo Hội và lưu đày những linh mục –
những việc đó chẳng phải là đàn áp thì còn là gì nữa?"
"Em thấy những linh mục bị lưu đày ở đâu, hồi nào?"
"Tất nhiên là không thấy ở trong những thành phố đó rồi".
"Dù cho họ có đàn áp thật đi nữa" – Yakanov nói – "họ cũng mới chỉ đàn
áp có mười năm thôi. Em có biết Giáo Hội đàn áp con người đã bao lâu
không? Từ 10 thế kỷ nay".
Angiya nhún vai gầy:
"Thời đó chưa có em. Em đang sống ở thời này, em chỉ thấy những gì xảy
ra trong đời em".
"Nhưng em phải biết lịch sử chứ! Em không thể viện lý do gì để bào chữa
cho sự ngu dốt. Có bao giờ em nghĩ đến chuyện Giáo Hội đã làm cách nào